Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng liều thuốc hỗ trợ doanh nghiệp

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 12.000 DN phải rời bỏ thị trường là con số trung bình mỗi tháng. Đó là chưa kể, trong 2 tháng qua khi tình hình dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, nhiều DN vốn đã bị tổn thương nay lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết và số DN rời bỏ thị trường sẽ chưa dừng lại. Nhiều DN đã không thể trả nợ ngân hàng đúng hạn, không thể trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản, hàng triệu lao động không việc làm…

Xưởng sản xuất Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Khu công nghiệp Vân Trung) bảo đảm giãn khoảng cách giữa người lao động theo quy định. Ảnh: Minh Linh
Đã có hàng loạt kiến nghị của các Hiệp hội đại diện các ngành hàng gửi lên Chính phủ và bộ, ngành liên quan đề nghị được hỗ trợ. Về chính sách thuế, kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN; Về tài chính, đề xuất hạ lãi suất, miễn giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản nợ mà khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn. Đồng thời cho phép DN phát hành trái phiếu DN. Chính phủ mua có điều kiện với lãi suất 0% trong thời gian dịch Covid-19 và lãi suất thấp trong vòng 3 - 5 năm tiếp theo để tạo nguồn vốn tái cơ cấu, tái sản xuất và giúp DN sớm phục hồi; Có chính sách hỗ trợ người lao động cho DN, hỗ trợ lưu thông hàng hóa, giảm các loại chi phí cho người dân và DN... Và các gói về hỗ trợ trả lương người lao động cho DN cần đẩy mạnh hơn, thủ tục đơn giản hơn.

Thực tế không phải bây giờ, mà trước đó Chính phủ đã có ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN. Ở gói kích thích lần thứ nhất, Việt Nam đã triển khai 4 gói hỗ trợ (gói tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, và các gói hỗ trợ khác giá điện, nước…) với tổng giá trị thực mà Chính phủ và hệ thống ngân hàng cam kết bỏ ra khoảng trên 180.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019. Nhưng gói kích thích kinh tế thứ nhất chưa mang lại kết quả như mong đợi. Trước khủng hoảng, các gói hỗ trợ Chính phủ đưa ra trước đó nhắm đến việc dịch bệnh sẽ ổn định trong quý II/2021 mà chưa tính tới làn sóng bùng phát thứ 4. Vì vậy, các gói hỗ trợ này chưa đủ liều. Bên cạnh đó, quá trình triển khai rất chậm và còn vướng mắc. Do đó cần thiết lúc này là phải tăng liều hỗ trợ và hỗ trợ thực chất hơn nữa!

Mới đây, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch Covid-19. Các quyết sách được đề xuất nhằm giảm thiểu ách tắc trong sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại từ tác động tiêu cực của dịch bệnh đến khu vực DN. Phấn đấu mục tiêu hàng trăm nghìn DN được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành 2 Nghị quyết, cố gắng đáp ứng những gì cao nhất có thể cho DN. Lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho DN. Các chuyên gia cho rằng, các gói hỗ trợ phải triển khai gấp rút, nhanh chóng đưa vào cuộc sống, đơn giản các thủ tục, làm nhanh nhất để người dân, DN nhanh chóng nhận được hỗ trợ. Chính phủ cần tổ chức đầu mối để tiếp thu, tiếp nhận các ý kiến, sáng kiến, các kiến nghị đề xuất của cộng đồng để xem xét và chỉ đạo giải quyết kịp thời. Tổ Công tác của Chính phủ sẽ phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng để sớm có được các hỗ trợ chính sách phù hợp. Việc phân cấp mạnh mẽ cho các tỉnh, TP là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên rất cần một cơ chế điều hành thống nhất, tập trung, quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Dịch bệnh gây khó khăn chưa từng có, vì vậy những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có. Các gói hỗ trợ bổ sung được triển khai cùng một lúc vào thời điểm này với những giải pháp kịp thời, cấp thiết sẽ là nguồn lực tiếp sức người dân, DN vượt bão Covid-19.