Tăng mức giảm trừ gia cảnh để người lao động "dễ thở"

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân. Chỉ đạo này của Chính phủ được các chuyên gia đánh giá cao, đồng thời là niềm mong mỏi của người lao động bấy lâu nay.

Niềm mong mỏi của người lao động

Theo quy định hiện nay, mức thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người. Thuế TNCN dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%.

Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.

Người dân mòn mỏi chờ nâng mức giảm trừ gia cảnh bởi giá cả thị trường liên tục tăng cao.
Người dân mòn mỏi chờ nâng mức giảm trừ gia cảnh bởi giá cả thị trường liên tục tăng cao.

Chị Nguyễn Hồng Nhung (Hà Đông) cho biết: “Sau khi đọc được thông tin Chính phủ đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh tôi rất mừng. Bởi đây là niềm mong mỏi chung của người lao động bao lâu nay. Trước đây báo chí đã có đề cập kiến nghị của nhiều người dân nhưng chưa thấy Tổng cục Thuế sửa đổi”.

Cùng chung nỗi niềm, anh Nguyễn Việt Dũng (quận Thanh Xuân) cho hay, mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc hiện nay đang quá thấp so với biến động của giá cả thị trường. Với đồng lương ít ỏi chỉ đủ duy trì cuộc sống cơ bản của gia đình, nhưng vẫn phải đóng thuế nên cảm giác rất bức bối.  “Thuế là trách nhiệm của mỗi công dân. Tiền thuế được dùng vào mục đích xây dựng bảo vệ và phát triển đất nước. Luật pháp đã quy định, vì vậy người dân phải chấp hành quy định của pháp luật. Nhưng cũng vì vậy, sự phù hợp thực tế cuộc sống quyết định hiệu quả của các chính sách thuế” – anh Dũng bày tỏ.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS nêu quan điểm, các chính sách về thuế TNCN hiện nay đã không còn phù hợp với diễn biến của kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, Bộ Tài chính cần xem xét để sửa đổi quy định về thuế TNCN để đảm bảo đời sống của người dân được nâng cao hơn.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn chỉ ra, trong 10 năm, tính từ khi áp dụng Luật Thuế TNCN (sửa đổi năm 2012), lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch Covid-19 nên không tăng, từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần.

Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được một lần vào giữa năm 2020. Khi thay đổi thuế TNCN, cần phải đề cập và tính toán luôn các khoản giảm trừ làm cơ sở tính khoản thu nhập chịu thuế của người lao động.

Sớm sửa đổi cho phù hợp thực tiễn đời sống

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, cứ điều hành thuế theo lạm phát là không hợp lý, vì mỗi năm, mức sống của người dân lại tăng lên. Trong khi đó, các nước khác tiến tới giảm dần mức thuế TNCN để hỗ trợ người dân, khuyến khích người dân lao động, nâng cao thu nhập. Cách tính giảm trừ gia cảnh hợp lý là phải tính giảm trừ kết hợp giữa 2 tiêu chí, khấu trừ cố định và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu có tính thiết yếu. Mức giảm trừ gia cảnh nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, mỗi năm khi tăng lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ cũng tự động tăng theo, thay vì quy định cứng ở mức cố định.

Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, cần phải có những điều chỉnh trong quy định giảm trừ gia cảnh cho phù hợp. Lý tưởng nhất là phải chỉ số hóa được theo tỷ lệ lạm phát hàng năm, ví dụ lạm phát tăng 5% thì tương ứng mức giảm trừ gia cảnh cũng tự động tăng 5%. Nếu không làm được như vậy thì khoảng thời gian điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cần phải được rút ngắn lại so với cách làm hiện nay, tối đa khoảng 2-3 năm/lần chứ không phải chờ đến 9-10 năm cho đến khi lạm phát tăng đủ 20%.

Theo Tổng cục Thuế, tổng số thu thuế TNCN năm 2023 trên 155.000 tỷ đồng. Trong đó, thuế TNCN từ tiền lương, tiền công 108.228 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 70% trong tổng số thu thuế TNCN).

Năm 2024, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về chính sách pháp luật thuế TNCN, chính sách pháp luật quản lý thuế từ cơ quan thuế các cấp, người nộp thuế để nghiên cứu, đề xuất khi sửa đổi chính sách pháp luật thuế TNCN và chính sách pháp luật quản lý thuế (đáp ứng việc tái thiết kế quy trình thu, nộp, hoàn thuế TNCN làm cơ sở để xây dựng phần mềm quản lý thuế TNCN tự động).

Trước đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh của Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế; trong đó có Luật Thuế TNCN để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp.