Vải vụn được tập kết và đốt ngay trên đê Dưỡng Hiền tại xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, chiều tối 13/11. |
Có lẽ 2019 là một năm đáng nhớ với người dân Thủ đô Hà Nội khi phải hứng chịu một số sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: Ô nhiễm thủy ngân, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí. Trong đó, có thời điểm Hà Nội nằm trong số những TP ô nhiễm nhất thế giới trong bảng xếp hạng về ô nhiễm không khí, theo dữ liệu của ứng dụng quan trắc không khí Air Visual. Đáng buồn những sự cố này đều do con người chúng ta gây nên, thế nhưng điều lạ, mặc dù nồng độ ô nhiễm tăng cao nhưng vẫn chưa có sự thay đổi đột phá về tư duy và hành động đối với môi trường của mỗi cá nhân, DN.
Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, với 1.350 làng nghề, thu hút gần 1 triệu lao động tham gia. Song hoạt động sản xuất tại đây đang phát sinh ô nhiễm cao, trong khi đó các khu vực này hầu như không có công trình xử lý chất thải phù hợp. Một số công trình nghiên cứu xử lý nước thải làng nghề đã được triển khai nhưng hiệu quả còn thấp và kém ổn dịnh. Một số cơ sở dưới danh nghĩa “làng nghề” để giải quyết công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, nên các yêu cầu bảo vệ môi trường đối với đối tượng này bị xem nhẹ, trong khi đó ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các chủ cơ sở này chưa cao.
Trước thực trạng ấy, hàng loạt câu hỏi được đặt ra, rằng có phải chế tài chưa đủ sức răn đe, rằng cơ quan chức năng chưa vào cuộc triệt để, rằng người dân cứ kêu khi xảy ra sự cố nhưng bản thân lại chưa thực sự có ý thức, trách nhiệm với môi trường…? Công bằng mà nói, TP Hà Nội đã nỗ lực rất nhiều về mọi mặt trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, với thực tế nhiều người dân, DN còn thờ ơ với môi trường như hiện nay, nếu chỉ chính quyền TP nỗ lực thì khó có thể mang lại hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, việc tăng mức xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường (mà hiện nay TP đang nghiên cứu, đề xuất báo cáo UBND TP trình HĐND TP ban hành nghị quyết) là cần thiết và cấp bách để nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân đối với cộng đồng, xã hội.
Với sự vào cuộc quyết liệt đồng thời tăng mức xử phát phạt hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường và sự vào cuộc của cơ quan chức năng, đoàn thể, người dân, Hà Nội đã và đang thể hiện rõ quyết tâm đẩy lùi ô nhiễm, tạo môi trường sống trong lành cho cư dân, cũng như ấn tượng về một TP xanh trong mắt du khách.