Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng cả năm 2017 sẽ thấp hơn kỳ vọng

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mức tăng trưởng thấp trong quý I (5,1%), dự báo kinh tế Việt Nam cả năm 2017 sẽ chỉ đạt 6,1%, cách xa so với mục tiêu 6,7% do Chính phủ đề ra. Trong khi, lạm phát cả năm có thể thấp hơn 5%.

Các chỉ số dự báo trên được nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra tại buổi tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2017 diễn ra chiều 10/4.
Tăng trưởng thấp do công nghiệp suy giảm
Đáng chú ý, suy giảm tăng trưởng quý I đến từ hầu hết các nhóm ngành công nghiệp. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 8,3%, thấp hơn mức 9,7% và 8,94% trong 2 năm 2015 - 2016. Công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm mạnh, làm giảm 0,76 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế quý I. Tính chung lại, ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% trong quý́ I, thấp nhất kể từ 2011 trở lại đây.
Ngành xây dựng cũng chỉ đạt mức tăng trưởng 6,1% và đóng góp 0,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế. Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực sau một năm suy giảm. Tăng trưởng khu vực nàý đạt 2,03%, xấp xỉ mức tăng trưởng các năm trước đó. Trong đó, nông nghiệp tăng 1,38% (quý I/2016: -2,69%), lâm nghiệp tăng 4,94% và thủy sản tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Các chỉ báo sản xuất công nghiệp cho thấy rõ bức tranh ảm đạm của công nghiệp Việt Nam trong quý I. Chỉ số sản xuất công nghiệp và tiêu thụ suy giảm mạnh trong khi tồn kho tăng đáng kể trong 2 tháng đầu năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) 3 tháng đầu năm chỉ tăng 0,7% - 2,4% - 4,1%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, IPI ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý I cũng chỉ tăng 8,3% so với mức tăng 9,4% cùng kỳ năm 2016.
Chỉ số tiêu thụ thậm chí giảm 4,4% trong tháng 1 trước khi phục hồi lại mức 7,9% trong tháng 2. Trong khi đó, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp đã tăng lên mức 13,3% và 12,5% trong 2 tháng đầu năm. Điều này cũng phản ánh đúng hiệu ứng tháng Tết Nguyên đán, khi mà nhiều hoạt động sản xuất, tiêu thụ công nghiệp suy giảm mạnh.
Khó tăng trưởng cao trong quý 2/2017
Cuối năm 2016, sự phục hồi diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Kinh tế Mỹ, EU và Nhật Bản đều chứng kiến sự cải thiện tăng trưởng. Tuy nhiên, đồng tình với các chuyên gia của VEPR, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, những bất trắc về chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump hay sự thắng thế của chủ nghĩa cực hữu tại châu Âu có thể tạo ra những khó khăn mới cho thị trường xuát khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Trong nước, hầu hết các ngành công nghiệp suy giảm một cách bất thường khiến tình hình tăng trưởng không đạt được như kỳ vọng. Giá trị GDP của Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là một số công ty lớn như Samsung. Tương tự, thương mại tăng cao nhưng xuất khẩu vẫn chưa phục hồi thực sự về lượng. Đặc biệt, khuynh hướng tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục giảm xuống chỉ còn 28%. Điều này cho thấy khu vực sản xuất trong nước ngày càng trở nên yếu thế hơn trong quá trình hội nhập quốc tế đang mở rộng.
Về đầu tư, khu vực tư nhân có một số dấu hiệu khởi sắc, nhưng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cũng như đầu tư khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại có dấu hiệu suy giảm. Đối với khu vực công, ràng buộc ngân sách có thể là một nguyên nhân chính. Trong khi đó, việc đầu tư nước ngoài chững lại nhiều khả năng liên quan tới việc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ.
Trong một môi trường đang biến động như vậy, các chuyên gia nhận định, kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều ràng buộc hơn cho tăng trưởng. Dự báo tăng trưởng quý II chỉ đạt 5,7% và cả năm chỉ 6,1%, cách xa so với mục tiêu 6,7% do Chính phủ đề ra.
Lạm phát chững lại
Sau giai đoạn tăng giá liên tiếp từ đầu năm 2016, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong quý I/2017, hứa hẹn một môi trường vĩ mô ổn định hơn trong năm 2017.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thành - Trưởng nhóm nghiên cứu VEPR, dù có dấu hiệu hạ nhiệt trong quý I nhưng áp lực lên lạm phát trong nước vẫn còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra. Lạm phát trong những tháng kế tiếp khó có thể hạ dưới 4% khi nhu cầu về tiêu dùng tăng trưởng trở lại, giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới tiếp tục hồi phục và các dịch vụ công vẫn còn cần điều chỉnh theo kế hoạch đặt ra. “Do vậy, chúng tôi cho rằng cơ quan điều hành vẫn phải theo sát diễn biến giá cả trong những quý tiếp theo” - ông Thành khuyến nghị.
Việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, giáo dục cần thực hiện theo đúng lộ trình đã đặt ra để ổn định mặt bằng giá chung trên thị trường. VEPR đưa ra dự báo lạm phát quý II sẽ là 4,5%, các quý kế tiếp lần lượt là 4,2% và 4,3%.