Tăng trưởng tín dụng thực chất hơn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tiền tệ, dư nợ tín dụng khó tăng mạnh trong đầu năm 2017 vì còn nhiều rào cản chưa được gỡ bỏ.

Đó là quá trình xử lý nợ xấu chậm, áp lực lãi suất tăng do tác động từ các yếu tố bên ngoài...

Chỉ tăng ở mức hợp lý

Hiện vẫn chưa có thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về con số tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay. Song, theo nhận định của một số tổ chức tín dụng, tăng trưởng tháng 2 khó có thể hơn tháng 1 (tăng 2,18%).

Báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh cho thấy, ước đến cuối tháng 2, tổng dư nợ tín dụng ước đạt 1,488 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với cuối năm 2016 và tăng 19,75% so với cùng kỳ. Tại Hà Nội, chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo đánh giá cũng chỉ tương đương với TP Hồ Chí Minh. Tại thời điểm quý I/2016, tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội cũng chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Vietcombank Hà Nội. Ảnh:  Thanh Hải

Các ngân hàng thừa nhận, theo quy luật hàng năm, quý I thường có mức tăng trưởng tín dụng chậm nhất. “Một phần do đây là thời điểm sau Tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN chưa được đẩy mạnh. Riêng với nhu cầu mua, xây nhà của khách hàng cá nhân, thường phải hết tháng 1 âm lịch. Vì vậy, khả năng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm cũng sẽ chững lại trong quý I này” - ông Từ Tiến Phát - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) chia sẻ. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh phân tích thêm, tín dụng trong các tháng đầu năm nay sẽ còn chịu nhiều rào cản chưa được gỡ bỏ như: Tái cơ cấu nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN; quá trình xử lý nợ xấu chậm; áp lực lãi suất tăng do tác động từ các yếu tố bên ngoài, nhất là trong bối cảnh chưa thể đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tín dụng vào bất động sản (BĐS) cũng cần thận trọng…

Chọn chất thay vì chạy theo lượng

Tới thời điểm này, thanh khoản hệ thống vẫn ở trạng thái dồi dào, song các ngân hàng lại khá thận trọng chưa bơm mạnh vào nền kinh tế. “Ai có nhu cầu vay mà là khách hàng tốt thì ngân hàng sẽ giải ngân” - anh Chiến, nhân viên một ngân hàng cho biết. Theo anh Chiến, mảng giải ngân tốt trong năm ngoái là BĐS ở phân khúc chung cư. Mỗi tháng, nhân viên tín dụng chỉ cần ký hợp đồng với một vài dự án cho khách hàng vay vốn là “ấm” rồi. “Giờ thì ngược lại, giải ngân BĐS lại đang chững, trong đó phân khúc chung cư cũng rất chậm” - anh Chiến chia sẻ.

“Bản thân ngân hàng cũng lo ngại nợ xấu gia tăng nên hạn chế cấp tín dụng đối với các DN quá khó khăn, chưa có dự án kinh doanh khả thi” - ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) chia sẻ. Các ý kiến đều nghiêng về phương án chú trọng đến chất lượng tín dụng chứ không nhất thiết phải chạy đua về số lượng. Theo ông Tùng, quan trọng nhất vẫn là “chỉ số an toàn”. Ngân hàng nào đạt các tiêu chuẩn về Basel II, ngân hàng đó có thể hưởng mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Nguyên nhân là cơ quan quản lý tiếp tục kiểm soát tín dụng cho vay với các lĩnh vực mang tính đầu cơ, đầu tư như chứng khoán, BĐS. Tức là phải đưa tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, đối tượng được cấp tín dụng phải thực sự minh bạch, trong đó có tín dụng cho DN có vốn Nhà nước; Tín dụng cho những người có liên quan tới cổ đông lớn của ngân hàng.

Thứ ba, tín dụng phải đạt được những yêu cầu về quản lý rủi ro. Những khoản tín dụng phải được thẩm định kỹ và được phê duyệt từ cấp có thẩm quyền, tránh việc nhân viên thẩm định tài sản bảo đảm "thổi phồng" giá trị tài sản. Có như vậy, chất lượng tín dụng mới được đảm bảo, tránh phát sinh nợ xấu theo chỉ đạo của Chính phủ.

“Tăng trưởng tín dụng thực chất hơn”, đó là khẳng định của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú về diễn biến thị trường tiền tệ thời gian qua. Ông Tú nhấn mạnh: “Trong điều hành chính sách tiền tệ nói chung và tín dụng nói riêng, việc tăng trưởng tín dụng đến mức độ nào trước hết là phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Đây là mục tiêu cao nhất của tổ chức tín dụng. Trong tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng không đồng đều giữa các ngân hàng thương mại ở các địa phương khác nhau, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khác thường và vẫn theo xu hướng lạc quan với lãi suất cho vay ổn định”.

Trong tháng 1/2017, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đã đạt 4%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các DN đang kinh doanh hiệu quả, các dự án tốt... Song song với việc định hướng tăng trưởng tín dụng bền vững, Vietcombank cũng tập trung kiểm soát hiệu quả nợ xấu.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank  Nghiêm Xuân Thành


Hiện có gần 4 triệu khách hàng đang vay vốn của Agribank thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, 7 chính sách tín dụng, 1 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN…

Chủ tịch HĐTV Agribank  Trịnh Ngọc Khánh