Đây là ý kiến của lãnh đạo HĐND một số quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội nêu tại cuộc giao ban quý 2/2024 giữa Thường trực HĐND TP với Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã diễn ra cuối tuần qua.
Tại đây, Thường trực HĐND TP đã quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm Luật Thủ đô cũng như triển khai kế hoạch triển khai thi hành Luật của Thường trực HĐND TP.
Theo Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, Luật Thủ đô 2024 là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện định hướng chung, dài hạn cho sự phát triển của Thủ đô; đồng thời cũng đặt ra những nội dung để giải quyết vấn đề cụ thể, đặc biệt là hạ tầng đô thị.
Với việc ban hành Luật Thủ đô lần này, theo Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ, thẩm quyền của chính quyền TP đã được trao cơ chế vượt trội, phân quyền mạnh mẽ để Hà Nội có cơ chế, chính sách đột phá, thực hiện được các mục tiêu mà Trung ương đã đặt ra cho Thủ đô.
Ý thức được trách nhiệm để triển khai Luật Thủ đô trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, điểm phấn khởi là cơ chế đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. Nội dung này trong thời gian qua đã được TP thực hiện mạnh mẽ tạo điều kiện cho các quận, huyện, thị xã chủ động thực hiện nhiệm vụ của mình, tạo hiệu quả giải quyết nhiệm vụ của địa phương và kiến nghị của cử tri được tốt hơn.
Luật Thủ đô lần này đã giao HĐND TP cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền, để tránh lạm dụng ủy quyền tràn lan. Luật đã giao HĐND TP quy định chi tiết phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Bên cạnh đó, Luật cũng giao UBND TP quy định việc điều chỉnh hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp, ủy quyền.
Để Luật Thủ đô đi vào cuộc sống phát huy được hiệu quả, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ bày tỏ mong muốn, HĐND TP có hướng tham mưu với Thành ủy để có hướng dẫn triển khai thực hiện, bố trí cán bộ, tăng biên chế, vị trí việc làm cũng như định hướng nhân sự tham gia cấp ủy trong nhiệm kỳ tới.
Cùng chung mối quan tâm này, Phó Chủ tịch HĐND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Thủy bày tỏ, từ ngày Luật Thủ đô 2024 được thông qua, cán bộ và Nhân dân quận Bắc Từ Liêm mong chờ Luật được hiện thực hóa và phát huy cơ chế đặc thù, đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị. Để Luật sớm phát huy hiệu quả, các cơ quan, đơn vị mong muốn HĐND TP sớm có quy định cụ thể hóa các quy định của Luật (Khoản 6, Điều 14; Điều 15, 17, 18, 19).
"Khi không còn HĐND phường, chức năng giám sát của HĐND phường do HĐND quận thực hiện. Việc tăng lượng cán bộ chuyên trách (thêm 1 phó chủ tịch và 2 ủy viên Ban HĐND) là điều rất phù hợp với mong mỏi của HĐND các quận. Thường trực HĐND quận mong muốn TP sớm có hướng dẫn nội dung này, vì nhu cầu công việc hiện nay rất lớn, nếu hiện thực hóa được quy định này sớm sẽ giúp có bộ máy đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ của HĐND" - Phó Chủ tịch HĐND quận Bắc Từ Liêm nêu.
Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho biết, Luật Thủ đô được ban hành có nhiều điểm nổi bật theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ. Đồng thời, quy định tăng số lượng phó chủ tịch, tăng số đại biểu chuyên trách giúp HĐND quận hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nặng khi không có HĐND phường.
Những điểm mới này cùng với Đề án 15/ĐA-TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP Hà Nội” sẽ giúp nâng cao năng lực thực hiện công việc - nhất là những vấn đề quan trọng.
Theo Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định, tới đây Luật Thủ đô có hiệu lực, sẽ giúp triển khai có hiệu quả chính quyền đô thị tại quận theo thẩm quyền, đặc biệt tăng cường hiệu quả giám sát của HĐND quận và trong tiếp xúc cử tri lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri; thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện cho cử tri.
Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm cũng kiến nghị TP tăng cường ủy quyền cho quận trong thực hiện một số thủ tục hành chính, bởi trình độ cán bộ viên chức của các quận, huyện, thị xã hiện nay hoàn toàn có thể ủy quyền nhiều hơn để tạo điều kiện cho chính quyền đô thị phát triển hiệu quả...
Theo Thường trực HĐND TP Hà Nội, Luật Thủ đô 2024 được thông qua gồm 7 Chương, 54 Điều (tăng 3 Chương, 27 Điều so với Luật Thủ đô 2012). Luật được bổ sung đồng bộ, toàn diện rất nhiều nội dung mới như: Tổ chức chính quyền Thủ đô, các quy định về thẩm quyền đầu tư, ưu đãi, thu hút đầu tư, cơ chế đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD, về phát triển nông nghiệp, nông thôn; về phát triển y tế; về an sinh xã hội; thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình mới. Đối với những nội dung đã quy định trong Luật Thủ đô năm 2012, tại dự thảo Luật lần này cũng được sửa đổi, bổ sung toàn diện như: các quy định về tài chính - ngân sách; quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị; khoa học công nghệ, phát triển văn hóa, giáo dục đào tạo, xử lý vi phạm hành chính; nâng cấp một chương riêng về liên kết, phát triển vùng...
Các quy định được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ từ Trung ương về TP (về đầu tư, quy hoạch xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ…), đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô đối với hoạt động quản lý điều hành các mặt của đời sống kinh tế xã hội của Thủ đô.