Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ thi vào lớp 10:

Tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh trên cơ sở thực hiện đúng quy chế

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh trên cơ sở thực hiện đúng quy chế để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, minh bạch… Đây vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu Ban Chỉ đạo thi tuyển sinh TP Hà Nội năm 2024 đặt ra trong tổ chức kỳ thi vào lớp 10.

Chủ động nhưng không làm tắt

Chỉ còn 2 ngày nữa, kỳ thi lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025 sẽ chính thức diễn ra. Đây là kỳ thi có quy mô lớn, được phụ huynh học sinh và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Ban Chỉ đạo (BCĐ) thi tuyển sinh TP Hà Nội đã quán triệt, phổ biến, hướng dẫn các văn bản chỉ đạo điều hành liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi tới tất cả những người tham gia làm thi và các thí sinh.

Năm nay, tại mỗi điểm thi đều có thêm bì “đề thi gốc” để đối chiếu trong trường hợp xảy ra sự cố hoặc thắc mắc về đề thi.
Năm nay, tại mỗi điểm thi đều có thêm bì “đề thi gốc” để đối chiếu trong trường hợp xảy ra sự cố hoặc thắc mắc về đề thi.

Kỳ thi lớp 10 năm nào cũng diễn ra những đối tượng học sinh khác, bối cảnh khác nên có thể xảy ra nhiều tình huống đột xuất, bất ngờ. Chính bởi vậy, ngoài việc chủ động, chu đáo, tích cực trong công tác chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất tại điểm thi, BCĐ cũng nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị dự báo những khó khăn, tình huống có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi và có phương án xử lý. Từng nhân sự tham gia kỳ thi phải nắm chắc quy chế theo phân công nhiệm vụ và thực hiện đầy đủ, đúng quy trình, quy chế, không sáng tạo, không làm tắt.

Thẳng thắn nhìn lại sự cố hy hữu mờ đề thi xảy ra tại kỳ thi năm trước, BCĐ thi tuyển sinh TP Hà Nội đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và có phương án cụ thể để xử lý, khắc phục. Cụ thể, năm nay, tại mỗi điểm thi đều có thêm bì “đề thi gốc”, đóng dấu đỏ để nếu xảy ra trường hợp có ý kiến phản ánh về đề, lãnh đạo điểm thi sẽ đối chiếu với “đề thi gốc” để có ngay phản hồi, không làm ảnh hưởng đến thời gian làm bài của thí sinh. 

Trường hợp thí sinh quên mang thẻ CCCD có được dùng VNeID (ứng dụng định danh điện tử) ở cấp độ 2 để thay thế không, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, ứng dụng VNeID nằm trong điện thoại thông minh. Theo quy chế thi, thí sinh không được mang điện thoại vào phòng thi, nếu vi phạm sẽ bị đình chỉ, hủy toàn bộ kết quả. Để giải quyết tình huống này, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra phương án nhanh gọn, thuận tiện, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh mà vẫn tuân thủ đúng quy chế thi, đó là cho thí sinh viết cam kết, có chữ ký của trưởng điểm và phó trưởng điểm thi; sau buổi thi, giám thị sẽ kiểm tra, đối chiếu xác minh thông tin của thí sinh.

Tích cực phối hợp phòng chống gian lận thi cử

Tại kỳ thi vào lớp 10, công tác coi thi là một trong những nội dung quan trọng liên tục được tập huấn, hướng dẫn, quán triệt để tất cả cán bộ được huy động làm công tác coi thi nắm rõ, thực hiện đúng, không vi phạm quy chế thi.

Năm 2024, quy chế thi có quy định rõ các vật dụng được phép và vật dụng cấm mang vào phòng thi. Theo đó, học sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, thước kẻ, bút chì, tẩy chì, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ, Atlat địa lý Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).

Thí sinh gửi đồ trước khi vào phòng thi 10.
Thí sinh gửi đồ trước khi vào phòng thi 10.

Đây là năm đầu tiên, quy chế thi quy định rõ các vật dụng cấm mang vào phòng thi, gồm: giấy than; bút xóa; đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.

Dù đã được nhắc nhở rất nhiều lần, song kỳ thi năm nào cũng có thí sinh bị xử lý kỷ luật do mang theo điện thoại di động vào phòng thi, dẫn đến việc bị mất quyền tham gia xét tuyển vào lớp 10 công lập.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội quán triệt các nhà trường tiếp tục tăng cường tuyên truyền về quy chế thi và các hình thức xử lý nếu vi phạm quy chế để thí sinh có ý thức tuân thủ; đồng thời, giúp cha mẹ học sinh nâng cao tinh thần trách nhiệm, cùng giám sát, nhắc nhở, đồng hành cùng các con trọn vẹn trong ba buổi thi, hạn chế tối đa các sự cố ngoài ý muốn do chủ quan, lơ đễnh.

Với kỳ thi có quy mô lớn, tính cạnh tranh cao, Sở GD&ĐT Hà Nội xác định khâu coi thi rất quan trọng. Vì vậy, công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ coi thi được triển khai kỹ lưỡng, bảo đảm 100% cán bộ coi thi đều nắm vững quy chế, thuần thục kỹ năng, kiểm soát tình hình và xử lý tốt các tình huống phát sinh để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Đồng thời, cán bộ coi thi được phổ biến kỹ cách nhận diện các thiết bị có thể sử dụng để gian lận trong kỳ thi và cách phòng tránh, ngăn chặn.

Thượng tá Ngô Xuân Hải - Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an TP Hà Nội) nhận định, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tiềm ẩn nhiều yếu tố gian lận thi cử. Ngoài việc thí sinh sử dụng các thiết bị, còn có thể xảy ra tình trạng thí sinh nhờ người thi hộ, thi kèm, đánh dấu bài thi... Do đó, cán bộ coi thi cần nâng cao ý thức cảnh giác để phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc (nếu có).

Đại diện Công an TP Hà Nội kiến nghị, trong kỳ thi năm nay, nếu phát hiện thí sinh sử dụng thiết bị gian lận, ngoài việc lập biên bản thì trưởng điểm thi cũng thông tin ngay cho lực lượng công an để kịp thời truy xét, khoanh vùng, khẩn trương ngăn chặn việc phát tán ra bên ngoài; góp phần bảo đảm sự minh bạch cho kỳ thi.

 

Tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 – 2025, toàn TP có trên 117.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi; trong đó có gần 106.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 công lập; hơn 11.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi môn chuyên; hơn 250 lượt thí sinh dự thi song bằng.

  • Theo kế hoạch, 9 giờ sáng ngày 7/6, học sinh sẽ đến điểm thi học tập quy chế thi. Sáng 8/6, thi ngữ văn; chiều 8/6, thi ngoại ngữ; sáng 9/6, thi toán; ngày 10/6 thi chuyên; ngày 11 - 12/6 thi song bằng.