Sửa đổi Luật Đất đai năm 2013

Tạo hành lang pháp lý sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Đất đai ra đời hơn 30 năm với 5 lần sửa đổi. Tuy nhiên theo các chuyên gia, thực tiễn cho thấy Luật đang bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện; đặc biệt đối với mục tiêu tích tụ ruộng đất nhằm thu hút đầu tư.

Nông dân thu hoạch chè tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).
Nông dân thu hoạch chè tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).

Khó tích tụ đất đai với luật hiện hành

Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai.

Mặc dù vậy, theo PGS.TS Đỗ Thị Tám (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), chính sách, pháp luật về đất đai hiện hành vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng. Thời gian qua, quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm.

“Việc phân loại đất nông nghiệp theo mục đích sử dụng cũng chưa thống nhất giữa các luật liên quan; có sự chồng chéo mục đích sử dụng đất trong một khu vực; chưa có bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng sử dụng đất nông nghiệp cho các mục đích sử dụng khác nhau…” - PGS.TS Đỗ Thị Tám bày tỏ quan điểm.

Ở khía cạnh khác, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đại học Tài nguyên và Môi trường), cho rằng cơ chế khuyến khích tài chính thông qua việc miễn và giảm tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được triển khai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng người nông dân bỏ hoang ruộng đất còn nhiều (ngay cả ở Hà Nội), trong khi việc thuê đất để phát triển sản xuất lại gặp không ít khó khăn.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp hiện nay chưa thống nhất và chưa có sự gắn kết với các quy hoạch khác. Dự báo nhu cầu sử dụng đất chưa đáp ứng thực tiễn. Thêm vào đó, việc giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch còn lỏng lẻo, dẫn đến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, hoặc đang được sử dụng không hiệu quả.

Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý cũng cho rằng, Luật Đất đai hiện hành và các văn bản hướng dẫn chưa quy định trường hợp chuyển mục đích đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác (trang trại), dẫn đến khó khăn trong thực thi. Cơ chế và mô hình tích tụ ruộng đất theo hướng chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp còn hạn chế, gây cản trở việc thu hút các tổ chức, DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bài học kinh nghiệm quốc tế

Theo Thạc sĩ Phan Văn Ngọc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD), nhiều quốc gia trong khu vực châu Á đã từng thực hiện rất hiệu quả chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất trong nông nghiệp.

 

Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật và phát triển cơ chế khuyến khích, hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; hoàn thiện thể chế về đất đai, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó là nâng cao năng lực hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai…

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tốn, Phó Vụ trưởng Vụ NN&PTNT (Ban Kinh tế T.Ư)

Lấy ví dụ về cách làm của Nhật Bản, TS Phan Văn Ngọc cho biết, từ năm 1980, quốc gia này đã thực hiện chương trình “Đẩy mạnh sử dụng đất nông nghiệp”. Chương trình với nhiều nội dung đổi mới, trong đó có việc xây dựng các khu vực nông nghiệp đặc biệt (EAA) để tập trung đất nông nghiệp. Chủ thể được nhận ưu đãi về thuế và trợ cấp nông nghiệp.

“Nhật Bản cũng thực hiện ‘hợp nhất ruộng đất’ trong hệ thống tư hữu đất đai; hay áp dụng hình thức ủy thác trong sản xuất… Những giải pháp này đã giúp Nhật Bản trở thành một trong những cường quốc sản xuất nông nghiệp giá trị cao…” - TS Phan Văn Ngọc - Giám đốc CCRD chia sẻ.

Tại Thái Lan, Chính phủ tăng cường vai trò của Nhà nước trong thúc đẩy liên kết sản xuất thông qua “hợp đồng nông sản”, từ đó hình thành những vùng sản xuất tập trung. Chính phủ nước này cũng xây dựng luật, tiêu chuẩn, các quy định cần thiết để hợp đồng tiêu thụ nông sản được thực hiện một cách chặt chẽ, từ đó giảm thiểu rủi cho DN và người nông dân.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện cải cách pháp chế, bãi bỏ hạn điền; thành lập “ngân hàng đất”, từng bước chuyên nghiệp hóa thị trường đất đai, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, DN tham gia vào đầu tư phát triển nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, các chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất trong nông nghiệp của nhiều quốc gia đã mang đến hiệu quả khác biệt đối với phát triển nông nghiệp, điển hình như tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Những kinh nghiệm quốc tế nêu trên có thể là bài học dành cho Việt Nam trong quá trình hoạch định, nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Chăm sóc rau an toàn tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Ngọc Ánh
Chăm sóc rau an toàn tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Ngọc Ánh

Khuyến nghị sửa đổi Luật

Trên cơ sở đánh giá 8 năm Luật Đất đai năm 2013 đi vào cuộc sống, tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Ngoài nhiệm vụ thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm Nghị quyết 18-NQ/TW đề ra là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thạc sĩ Trương Quốc Cần (Viện Tư vấn phát triển Kinh tế xã hội nông thôn và miền núi), cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội vào tháng 9/2022 vừa qua đã có những tháo gỡ, vướng mắc, bất cập của Luật năm 2013. Dù vậy, Thạc sĩ Trương Quốc Cần cho rằng việc mở rộng đối tượng và hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cần phải đi kèm các điều kiện, quy định hạn chế nhằm bảo vệ quyền với đất đai của các nhóm yếu thế.

“Thay đổi phương thức quản lý đất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng đất” là khuyến nghị được PGS.TS Đỗ Thị Tám (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đưa ra. Luật sửa đổi cũng nên nghiên cứu, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp (nếu vẫn đảm bảo được chất lượng và chức năng đất); đồng thời, xem xét cho phép sử dụng đất đa mục tiêu.

Theo PGS.TS Phạm Minh Anh - Hiệu trưởng trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, việc xác định rõ nội hàm khái niệm cùng với chính sách tích tụ đất đai và tập trung đất đai là rất cần thiết trong dự thảo Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi). Điều này sẽ giúp làm rõ định hướng quản lý, sử dụng đất đai ở nước ta trong thời gian tới; thể chế hóa chủ trương của Đảng về chính sách đất đai và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19 -NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII đã đề ra.

 

Dự thảo Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi hiện nay có 5 vấn đề cần được tiếp tục thảo luận, xin ý kiến để đạt hiệu quả cao nhất khi áp dụng vào thực tiễn. Cụ thể là về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; Cấp phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”; Cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại và thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế (Đại học Luật Hà Nội)