Tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với tốc độ đô thị hóa, sự phát triển sôi động của thị trường BĐS, quan niệm về không gian sống của chủ đầu tư đến nhu cầu sở hữu của phần lớn khách hàng đã có nhiều thay đổi.

Vì vậy, việc phát triển thị trường BĐS - tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội là định hướng đúng đắn, có ý nghĩa thực sự trong bối cảnh hiện nay.
Thay đổi bộ mặt đô thị
Thị trường BĐS Hà Nội mới phát triển khoảng 15 năm gần đây, nhưng đã tạo nên nhiều đổi thay quan trọng cho bộ mặt đô thị. Nhiều dự án phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, khu đô thị mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành, nâng cao điều kiện sống của dân cư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP; từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở của Nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đáng nói là trong thời gian 10 năm, từ 1999 - 2009, quỹ nhà ở của TP tăng hơn 2 lần, diện tích bình quân nhà ở cũng tăng từ 9,6m2/người năm 1999 lên 20,6m2/người năm 2009. Trong giai đoạn 2009 - 2014, quỹ nhà ở của TP tăng từ 134,2 triệu m2 lên 166,8 triệu m2, diện tích bình quân nhà ở tăng từ 20,8m2/người lên 23,6m2/người. Chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, nhiều khu nhà ở mới khang trang đã và đang dần thay thế các khu nhà ở cũ bị xuống cấp, hư hỏng. Nhiều khu dân cư mới, tuyến phố mới được hình thành, góp phần vào việc chỉnh trang bộ mặt đô thị.

Nhà ở xã hội với nhiều không gian xanh tại Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Ảnh: Công Hùng

Trong đó, phân khúc nhà ở xã hội là một điểm nhấn rõ nét của Hà Nội, đã góp phần giải quyết cho hàng chục nghìn người lao động thu nhập thấp có nhà ở. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng, tính đến hết năm 2016, trên địa bàn TP đã có 37 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành, cung cấp khoảng 1.376.000m2 sàn nhà ở, phục vụ cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan. Hiện nay, có 48 dự án nhà ở xã hội đang triển khai (dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020) với khoảng 3.374.000m2 sàn. Trong đó, UBND TP đang giao cho các chủ đầu tư khẩn trương triển khai tổ chức lập quy hoạch đối với 4 khu nhà ở xã hội tập trung, đảm bảo đồng bộ về nhà ở với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu nhà ở. Cụ thể: Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh có diện tích đất khoảng 39,23ha do Tổng Công ty Viglacera và Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành tổ chức lập quy hoạch; Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh có diện tích đất khoảng 34ha do Công ty CP Bất động sản Vinalines và Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP Tổ chức lập quy hoạch; Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm có diện tích đất khoảng 39,12ha do Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng tổ chức lập quy hoạch; Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Liệt có diện tích đất khoảng 41,52ha do Công ty CP Đầu tư địa ốc Sông Hồng tổ chức lập quy hoạch.

Khu vui chơi phục vụ cho cư dân tại Khu đô thị Times City.  Ảnh: Phạm Hùng

Thực tế cho thấy, mô hình nhà ở chung cư cao tầng phát triển ngày càng đa dạng từ quy mô, chất lượng, đến đa chức năng sử dụng, tạo nên những khu vực dân cư với môi trường sống văn minh, tiện lợi và hiện đại. Có thể kể đến nhiều khu đô thị mới như Ciputra, Times City, Royal City, Vinhomes Riverside, Gamuda, khu đô thị Đặng Xá… Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây thực sự là những công trình BĐS tạo ra nhiều giá trị thặng dư bởi tiện ích, dịch vụ đồng bộ, đã và đang góp phần nâng tầm chất lượng sống đô thị.
“Với sự phát triển sôi động của BĐS, các dãy nhà cửa thấp lụp xụp, những cánh đồng bỏ hoang, những nhà máy trong khu dân cư khói bụi… đã dần được thay thế bằng những khu đô thị hiện đại văn minh, những cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại… sang trọng. Qua đó cho thấy, BĐS không chỉ phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, của xã hội, mà còn gián tiếp xây dựng hình ảnh quốc gia năng động, phát triển. Đây chính là thành quả của lĩnh vực BĐS của các DN BĐS” – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Ngọc Thành nhận định.
Hướng tới không gian sống văn minh
 Phát triển thị trường BĐS Hà Nội, thay đổi bộ mặt đô thị không chỉ là những khối nhà cao tầng mà cần hướng tới không gian sống văn minh là xu hướng tất yếu hiện nay. Tuy nhiên, theo nhận định của PGS.TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, việc xây dựng không gian sống văn minh tại Hà Nội hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Những bất cập, hạn chế này một phần đến từ công tác quy hoạch, quản lý thị trường BĐS, quản lý xã hội, một phần đến từ những yếu tố khách quan như đô thị hóa, tốc độ nhập cư vào Hà Nội cao. Trách nhiệm giải quyết vấn đề xuất phát từ phía Nhà nước, DN, người dân và các bên hữu quan. Chỉ khi định hướng đúng, đồng thuận cao mới có thể phát triển được thị trường BĐS hướng tới không gian sống văn minh như mong đợi.
PGS.TS Trần Kim Chung cho rằng, hình thành không gian sống văn minh, góp phần phát triển các hoạt động kinh tế theo chiều sâu. Không gian sống văn minh góp phần phát triển hoạt động du lịch, các ngành công nghệ, trình độ cao và thu hút lao động có chất lượng cao đến sống và làm việc. Không gian sống văn minh cũng yêu cầu sự phát triển vượt trội về kết cấu hạ tầng và công trình tiện ích, công cộng. Do vậy, việc hình thành không gian sống văn minh là một phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế theo chiều sâu, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
 Vinhomes Riverside Long Biên được coi là khu đô thị tạo lập được không gian sống tiện lợi, hòa hợp thiên nhiên. Ảnh: Phạm Hùng
Bên cạnh đó, thị trường BĐS hướng tới không gian sống văn minh, bao gồm trong nó rất nhiều bộ phận cấu thành. Một là, nhóm các sản phẩm BĐS trong các khu đô thị cũ. Hai là nhóm các sản phẩm nhà trong các làng xóm ven đô trong quá trình đô thị hóa. Ba là, nhóm các sản phẩm nhà biệt thự, nhà liền kề, nhà chung cư trong khu đô thị mới. Bốn là các sản phẩm nhà ở xã hội (nhà cho người lao động thu nhập thấp, sinh viên, học sinh, người lao động trong các khu công nghiệp). Năm là các sản phẩm nhà khác.
Đối với mỗi một nhóm sản phẩm, PGS.TS Trần Kim Chung cho biết, tác động của thị trường BĐS đến sự phát triển của từng nhóm hướng tới không gian sống văn minh sẽ khác nhau. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra nhanh, mạnh thì nhóm sản phẩm nhà (các loại) trong các khu đô thị mới có vị trí và vai trò quan trọng nhất. Nó chiếm tỷ lệ thị phần cũng như tác động đến không gian sống mạnh nhất. Bên cạnh đó, các sản phẩm nhà khu đô thị cũ và làng xã ngoại ô cũng quan trọng nhưng việc nghiên cứu nhóm sản phẩm này không nhiều.
“Phát triển thị trường BĐS hướng tới không gian sống văn minh, yếu tố quan trọng đầu tiên là cần xây dựng quy hoạch đô thị đồng bộ, hiện đại, thiết kế hài hòa, tạo môi trường cảnh quan trong lành, trật tự và hiện đại. Xây dựng đô thị phải kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống, đặc trưng vùng, miền và yếu tố hiện đại. Đơn cử, ở Thụy Điển, phát triển đô thị TP Vasteras, họ luôn chú trọng đảm bảo mối liên hệ với môi trường, cảnh quan và hệ sinh thái hồ. Tất cả hệ thống nước thải dân dụng, công nghiệp và nước mặt đều được tập trung vào một nhà máy để xử lý trước khi thải ra môi trường. Hệ sinh thái rừng ôn đới tự nhiên với thảm thực vật phong phú được bảo tồn. Về quản lý kiến trúc, các công trình xây dựng đều phải thấp dần về phía bờ hồ để đảm bảo tầm nhìn và mỹ quan. Tại đây, việc khai thác phong cách kiến trúc truyền thống của Thụy Điển được ủng hộ triệt để và quan tâm đặc biệt” - PGS.TS Trần Kim Chung cho biết.
Tôi từng ở châu Âu một thời gian, dù ở TP nhưng bên cạnh chung cư lại có những cánh rừng rất lớn. Tôi thấy rất thư thái và hài lòng với không gian sống tuyệt vời như vậy. Sau khi về Việt Nam làm BĐS, tôi thấy một vấn đề là các công trình, nhất là chung cư cũ rất bí bách. Thậm chí, hiện nay cũng có rất nhiều công trình mới thiết kế các phòng không có cả cửa sổ, không lỗ thoáng. Vì thế, tôi đã quyết định phát triển dự án BĐS theo hướng công trình xanh, mặc dù thực tế tại công trình áp dụng giải pháp xanh đều làm tăng chi phí đầu tư ít nhất 3%. Hiện, phân khúc mà chúng tôi đang làm phục vụ cho số đông người có nhu cầu ở thực, giá bình dân. Tôi mong muốn công trình xanh sẽ làm biến mất khu nhà ổ chuột.
Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House)
Đỗ Đức Đạt

Nâng tiện ích, tổ chức lại cuộc sống của cư dân
Trong thời gian qua, công tác quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội. Bộ mặt đô thị của Thủ đô đã có nhiều đổi thay, không gian đô thị phát triển rộng hơn, nhiều khu đô thị mới, hiện đại mọc lên với nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu cho cư dân. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn: Công tác quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường... Tạo lập không gian sống văn minh chính là tổ chức lại cuộc sống của dân cư, cải thiện điều kiện sống, tăng mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ công; tạo môi trường sống tốt hơn, hợp lý, hài hòa với không gian kiến trúc, cảnh quan xung quanh; phù hợp với sự phát triển chung của đô thị đặc biệt nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Thủ đô có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam
Nguyễn Trần Nam

Không gian thông minh phải có trong quy hoạch dự án
Trước đây, thông thường những yếu tố được khách hàng quan tâm trong lựa chọn BĐS là giá thành và vị trí, thì nay đã quan tâm nhiều hơn đến chất lượng môi trường, đến công trình bền vững: Xanh, thông minh. Ngay ở Hà Nội, một số dự án “hot” như Discovery Complex, Imperia Garden... đã khai thác tiêu chí xanh để quảng bá, tiếp thị. Một số công trình xanh như Numenber 1 của Viglacera ở Đại lộ Thăng Long, Ecopark... được xây dựng và được công nhận là kiến trúc xanh đang là những thị trường sôi động. Vấn đề cần quan tâm ở đây là nhận thức đúng và đủ về kiến trúc xanh. Đây đang là xu thế hấp dẫn mang tính toàn cầu, nhưng mỗi quốc gia, mỗi địa phương đều cần xác định những tiêu chí riêng, nên mỗi người dân khi giao dịch cần đánh giá đúng các quảng cáo, chủ đầu tư chọn giải pháp thiết kế thích hợp để xây dựng và nhất là cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm có hướng dẫn, giám sát, kiểm tra.
Bên cạnh đó, nhiều đô thị đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh là xu hướng được trong nước và cả nước ngoài quan tâm. Thực tế mỗi quốc gia, mỗi dự án cần xác lập các tiêu chí thông minh và chia giai đoạn thích hợp. Để có được khu đô thị thông minh hay đô thị thông minh rất cần xem xét từ nhiều tiêu chí, trong đó trước hết cần có tổ chức không gian thông minh được xác định từ trong quy hoạch dự án. Sự phối hợp giữa chủ đầu tư và các nhà quy hoạch, công nghệ là yếu tố then chốt để hình thành, tạo nên sự hấp dẫn cho thị trường BĐS, hướng tới đô thị thông minh.
     Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam 
Đào Ngọc Nghiêm