Tạo môi trường thông thoáng nhất cho các nhà đầu tư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Chính quyền Thành phố (TP) cam kết không ngừng tạo môi trường đầu tư thông...

Kinhtedothi - "Chính quyền Thành phố (TP) cam kết không ngừng tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhất, cải cách thủ tục hành chính tại mọi cấp trong việc xúc tiến, quản lý và triển khai dự án đầu tư, nhằm xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, thành đạt đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN)" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định trong buổi gặp mặt các hội viên Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) và đại sứ, tham tán thương mại sứ quán các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam ngày 20/2.

DN châu Âu: Đóng góp quan trọng cho kinh tế Thủ đô

Tính đến nay, Hà Nội có 2.727 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 21,9 tỷ USD. Trong đó, đã có 19 quốc gia EU đầu tư với 290 dự án đầu tư trực tiếp, vốn đăng ký 2,61 tỷ USD (không tính dự án tại các khu công nghiệp), tập trung nhất vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, dịch vụ…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại buổi gặp mặt.       Ảnh: Đức Giang
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Đức Giang
 
Các dự án đầu tư của khối EU luôn được đánh giá cao vì triển khai đúng cam kết như Vietnammobile - dự án hợp tác kinh doanh điện thoại di động giữa Hanoi Telecom và Hutchison (Luxembourg) với số vốn đầu tư 1,04 tỷ USD; dự án đầu tư BigC Thăng Long (Pháp) với 38,6 triệu USD; Metro Việt Nam (Đức) với 23,6 triệu USD; Công ty B.Braun (Đức) cũng đã đầu tư 50 triệu USD và đang có kế hoạch đầu tư mở rộng thêm 150 triệu USD trong lĩnh vực dược phẩm y tế; 3 dự án BĐS tại Khu đô thị Mỗ Lao của TSQ Việt Nam được Ba Lan đầu tư với số vốn 185,6 triệu USD... Trong hai năm 2012 - 2013, khối DN EU đã đạt doanh thu 25.703 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 1.778 tỷ đồng. Không ít DN hoạt động có hiệu quả, đóng góp ngân sách lớn như: BigC Thăng Long (nộp thuế 126 tỷ đồng); Electrolux (107 tỷ đồng); Ngân hàng Standard (87 tỷ đồng)... Năm 2013, có 59 DN EU kinh doanh có lãi.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: Hà Nội đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân Thủ đô, phải kể đến sự hợp tác tích cực của cộng đồng DN châu Âu. Từ khi thành lập năm 1998, Eurocham đại diện cho hơn 1.000 DN châu Âu có hoạt động đầu tư, thương mại tại Việt Nam đã thể hiện tích cực vai trò cầu nối giữa các DN EU với Chính phủ Việt Nam, cộng đồng DN Việt Nam nói chung và với Hà Nội nói riêng. 

Cam kết "một cửa" cho DN FDI

Tại buổi gặp mặt, Công ty Piaggio Việt Nam cùng nhiều DN EU khác đang hoạt động tại Hà Nội đề xuất được thông tin, góp ý nhiều hơn vào các chủ trương, chính sách của Nhà nước và TP trước khi ban hành văn bản chính thức, nhằm đưa chính sách hỗ trợ thiết thực hơn với các DN. Đại diện Siemens Việt Nam cho biết, dự án sản xuất xe buýt sạch của DN đã cơ bản hoàn thành. Một trong những mục tiêu của dự án là góp phần tiết kiệm nhiên liệu, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cho Hà Nội, nên Công ty mong được TP tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn. 

Dự báo, kinh tế Thủ đô năm nay có thể hồi phục nhưng chậm. Trong khi vấn đề thu ngân sách, nguồn vốn cho đầu tư phát triển khó cân đối cho nhu cầu thực hiện các dự án theo kế hoạch, đòi hỏi phải tăng cường thu hút đầu tư từ những nguồn vốn khác của xã hội. Hạ tầng của TP thực tế chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư cũng như nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế. "Do đó, Hà Nội rất cần cùng cả nước đẩy mạnh tái cơ cấu, cân đối phát triển giữa chiều rộng và chiều sâu. Không có cách nào khác, Thủ đô phải sớm nâng cao chất lượng nhân lực và năng suất lao động. Trong khi quá trình cải cách hành chính của TP tiến triển chậm đang đặt ra thách thức lớn cho chính quyền TP. Vì vậy, ngay trong năm nay, TP sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD, tăng trưởng kinh tế. Vào thời điểm này, TP chủ trương ưu tiên tháo gỡ kho khăn về vấn đề thị trường hơn là về vốn. Trong khi lựa chọn dự án đầu tư, chủ trương xuyên suốt của TP là dành những dự án có tỷ suất lợi nhuận cao nhất cho đầu tư xã hội hóa", Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh. 

Chủ tịch UBND TP cũng thẳng thắn chia sẻ: Trong khi cộng đồng DN châu Âu đang nỗ lực cùng Việt Nam và Hà Nội vượt qua rất nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế thì ngược lại, chính quyền TP không có lý do gì để DN EU phải "đi nhiều cửa'' trong quá trình đầu tư. Tới đây, TP sẽ rà soát cơ chế kêu gọi thu hút đầu tư, từ đó bàn quy chế phối hợp chặt hơn giữa các sở, ngành để đưa các đầu mối thủ tục về "một cửa'', hỗ trợ DN thiết thực hơn. Chúng tôi mong DN châu Âu tăng đầu tư vào Hà Nội. Ngược lại, không chỉ quảng bá về  cái đẹp, cái tốt, mà chính quyền TP sẵn sàng cung cấp thông tin cho DN về những gì còn hạn chế để dự án đầu tư của DN thực sự hiệu quả. Trong quá trình đầu tư nếu gặp vướng mắc, DN có thể gửi văn bản đến UBND TP, "thậm chí gửi trực tiếp cho lãnh đạo TP để chủ động phối hợp tháo gỡ'' - Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định.
 
"Riêng đối với khu vực các nước EU, chúng tôi ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như: Đầu tư phát triển ngành dịch vụ chất lượng cao, trung tâm tài chính ngân hàng, thương mại, phát triển các ngành CN điện tử, tin học; hình thành các KCN công nghệ cao, CN phụ trợ, các dự án du lịch khu nghỉ dưỡng cao cấp, đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục - đào tạo, một số lĩnh vực y tế chuyên sâu và một số bệnh viện hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, xử lý ô nhiễm môi trường..." - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo