Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo sự đồng thuận để doanh nghiệp FDI thực hiện tốt chính sách bảo hiểm 

Trần Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam và BHXH các tỉnh, TP luôn hỗ trợ, đồng hành cùng các DN nói chung, DN FDI nói riêng để thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), chăm lo cho người lao động, giúp người lao động an tâm sản xuất.

Khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tạo ra lượng công việc lớn đối với lao động Việt Nam, vì vậy việc đảm bảo an sinh xã hội tại khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng. Theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 9/2022, cả nước có khoảng 87,5 triệu người dân Việt Nam tham gia BHYT, đạt 91% dân số; 17,2 triệu người tham gia BHXH (bao gồm NLĐ làm việc tại DN trong nước và DN FDI), đạt 33% lực lượng lao động.

Tổ chức đối thoại về chính sách BHXH với DN FDI Nhật Bản tại Việt Nam.
Tổ chức đối thoại về chính sách BHXH với DN FDI Nhật Bản tại Việt Nam.

Công tác giải quyết chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ nói chung và NLĐ làm việc trong các DN FDI luôn được ngành BHXH Việt Nam đảm bảo, kịp thời, đầy đủ, giúp NLĐ yên tâm sản xuất, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động phát triển của mỗi DN, nhất là trong bối cảnh khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19.

Qua tổng hợp số liệu từ nguồn báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tại các DN FDI trên toàn quốc, giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 8/2022 đã giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho 13.627.153 lượt người, với tổng số tiền gần 25.640 tỷ đồng; 5.606 người hưởng chế độ tử tuất với số tiền hơn 491 tỷ đồng; 3.871 người hưởng chế độ hưu trí với số tiền 32,7 tỷ đồng. Đã chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 633.450 NLĐ thuộc DN FDI với số tiền hơn 73.089 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm 2022, cả nước có khoảng 228.976 lượt NLĐ làm việc tại DN FDI đi KCB BHYT, với số tiền được quỹ BHYT chi trả 58,9 tỷ đồng. 

Theo Luật BHXH năm 2014 và Nghị định số 143 của Chính phủ Việt Nam có quy định NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, từ ngày 01/01/2022, ràng buộc trách nhiệm đóng góp của DN và NLĐ. Đây là mối quan tâm chung của nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hoá cho biết, đến tháng 10/2022, 97,5% lao động trong các DN FDI tham gia BHXH.

Tại An Giang, ô ng Đặng Hồng Tuấn - Giám đốc BHXH tỉnh An Giang cho biết “Các DN FDI trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã phối hợp rất chặt chẽ với cơ quan BHXH thực hiện tốt các chế độ chính sách BHXH, BHYT cho người lao động. Hàng tháng, những DN này thực hiện tốt công tác đối chiếu lao động, quỹ lương và trích nộp BHXH, BHYT kịp thời và đầy đủ.

Tại Hà Nội, để tạo thuận lợi cho các DN FDI trong việc giao dịch thủ tục hành chính với cơ quan BHXH, BHXH TP Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử. BHXH TP Hà Nội công khai đường dây nóng, hòm thư góp ý, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của BHXH thành phố, tiếp nhận phản ánh và kịp thời hướng dẫn, giải đáp cho người dân và DN về quy trình, thủ tục, những thay đổi về chính sách BHXH. Đồng thời thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với DN, trong đó có DN FDI để tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN; cập nhật chính sách mới đến các DN, tiếp nhận phản ánh và kịp thời hướng dẫn, giải đáp cho người dân và DN. 

Hiện, ngành BHXH Việt Nam: đang có gần 30 hệ thống ứng dụng CNTT quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20.000 tài khoản công chức, viên chức và người lao động trong ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của ngành; hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của Ngành; tích hợp, cung cấp 20 dịch vụ công thuộc 14 thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; cung cấp 7 dịch vụ công trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”. Tất cả các thủ tục hành chính của ngành BHXH Việt Nam đều được thực hiện trên không gian số, giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị, DN và NLĐ trong các giao dịch với cơ quan BHXH; giúp cho DN, NLĐ dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, dễ dàng kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin.

Khu vực DN FDI đã tạo ra lượng công việc lớn đối với lao động Việt Nam, vì vậy việc đảm bảo an sinh xã hội tại khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng. Không những góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ mà còn góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả và lợi nhuận, nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy sự kết nối giữa DN và NLĐ, cùng chăm lo thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ.

Được biết, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 tác động toàn diện tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã luôn đồng hành, sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng các DN trước các tác động của dịch Covid-19, trong đó có DN FDI thông qua việc chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các gói hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 từ quỹ BHXH, BHTN và triển khai quyết liệt, hiệu quả các gói hỗ trợ nhằm hỗ trợ các DN giảm bớt khó khăn do dịch bệnh gây ra; đảm bảo chi trả kịp thời, đẩy đủ chế độ BH cho NLĐ…