Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập quán bị biến tướng

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quan niệm tâm linh, người Việt thường lựa chọn hình thức địa táng. Tuy nhiên, do quỹ đất tại các đô thị lớn như Hà Nội ngày càng hạn hẹp nên hình thức hỏa táng đã trở nên phổ biến hơn. Mặc dù vậy, với tâm lý ganh đua trong làm ma chay, xây dựng mồ mả, nhiều người sẵn sàng xây những ngôi mộ tiền tỷ hoặc vi phạm pháp luật để có “mồ yên, mả đẹp” cho người thân đã khuất.

 Phối cảnh Công viên nghĩa trang Yên Kỳ, Ba Vì.

Cơn sốt đất cho người âm

Phong tục tập quán và vấn đề tâm linh luôn có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần cộng đồng và có ảnh hưởng lớn đến cách thức, hình thức mai táng. Khi dân số Hà Nội tăng lên, quỹ đất dành cho người quá cố cũng ngày một khó khăn hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đất nghĩa trang theo quan niệm tâm linh là không được bán nhưng sự khan hiếm về quỹ đất nghĩa trang đã tạo ra cơn sốt đất cho người âm. Nghĩa trang Vĩnh Hằng (Ba Vì) có giá 8 – 9 triệu đồng/m2, nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) từ 8 – 15 triệu đồng/m2. Ở nghĩa trang Thanh Tước, giá đất theo Nhà nước phê duyệt là hơn 10 triệu đồng/ngôi nhưng khó mua được giá gốc. Ở đó có nhiều ngôi mộ chờ, trung bình mỗi ngôi có giá khoảng 40 triệu đồng, có ngôi mộ lên đến 120 triệu đồng.

Theo PGS Trịnh Thị Kim Ngọc – Viện Nghiên cứu con người (Việt Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), việc quản lý và sử dụng đất nghĩa trang thiếu chặt chẽ đã tạo kẽ hở cho việc kinh doanh đất âm trái phép. Điển hình như hiện tượng có khoảng 400 ngôi mộ được chôn trộm trái phép sát địa phận nghĩa trang Thanh Tước (chiếm diện tích khoảng 1.200m2). Số mộ chôn trộm này được chính quyền xã Thanh Tâm, huyện Mê Linh đưa vào kinh doanh cho các hộ gia đình ở TP Hà Nội lập khu mộ gia đình, mộ dòng họ.

Thay đổi tập quán, tư tưởng mai táng

Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: “Người dân nên chọn hình thức hỏa táng, điều này phù hợp với truyền thống tín ngưỡng, tâm linh của dân tộc. Cách đây 2.600 năm, khi Đức Phật nhập Niết bàn, các đệ tử của Ngài đã chọn hình thức hỏa táng cho dù lúc đó có nhiều hình thức như địa táng, thủy táng, điểu táng, lâm táng. Giáo hội đã tuyên truyền, đặc biệt là trong các phật tử, khi mất đi nên chọn hình thức hỏa táng hay điện táng ngày nay phù hợp với tình hình thực tế, không gây ô nhiễm môi trường, không bị lạm dụng về đất đai, không tốn kém và vẫn thể hiện được lòng thành kính, tôn trọng đối với người đã mất”.

Theo tổng hợp của Sở TT&TT Hà Nội, từ 1/9/2016 – 30/6/2019 có 40.811 hồ sơ đăng ký hỏa táng qua phần mềm trực tuyến, tiết kiệm cho người dân 5 tỷ đồng. Ngoài ra, theo Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành, năm 2010, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 28/2010/QĐ – UBND quy định về chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng. Trong đó, TP hỗ trợ chi phí hỏa táng mức 3 triệu đồng/trường hợp và hỗ trợ chi phí vận chuyển 1 triệu đồng (đối với khu vực ngoại thành), 500.000 đồng (khu vực nội thành). Ngoài ra, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách xã hội tại các Trung tâm nuôi dưỡng tập trung và người lang thang, vô gia cư mất trên địa bàn TP còn được hỗ trợ áo quan, túi đồ khâm liệm, quản lý lưu giữ bình tro”.

Qua đó, chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng của TP đã tác động rõ rệt, nhiều gia đình có người thân mất đã lựa chọn hình thức hỏa táng văn minh, tiến bộ thay thế hình thức hung táng lạc hậu, cổ hủ, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường, lãng phí đất đai.
Ngày nay, người dân có đời sống kinh tế tốt hơn nên họ thể hiện tâm nguyện chu đáo nhưng quy định chính sách Nhà nước chưa đồng bộ, chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng tự phát, đua tranh trong ma chay, xây dựng mồ mả… Thậm chí có nơi sáng tác thêm những “chuẩn mực” mới tang lễ, mồ mả, mai táng; không quá lời nếu nói đó là sự ganh đua vì sĩ diện, mối quan hệ trong đời sống. Chúng ta dễ nhận thấy, việc mai táng, xây dựng mồ mả thiếu phương pháp, thiếu quản lý, có nơi nghĩa trang như một TP nhỏ, có nơi lại lộn xộn, nhếch nhác. Điều này không chỉ gây mất quỹ đất, ảnh hưởng mỹ quan mà còn gây tranh chấp, mất đoàn kết.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn khoa học: "Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra"