Thông báo kết luận nêu rõ, sau gần 2 năm thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Đề án), Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, doanh nghiệp, đơn vị liên quan đã đề cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đạt được những kết quả quan trọng, tích cực, quan tâm chỉ đạo, khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ: Kiên quyết xử lý theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Không cấp thêm vốn Nhà nước cho các dự án, doanh nghiệp; đảm bảo lợi ích của Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của người lao động. Thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ các sai phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...
Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính ở các dự án, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn; việc giải quyết các tranh chấp, vướng mắc về hợp đồng EPC và quyết toán dự án còn chậm, chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra; tái cơ cấu tài chính, thu xếp, huy động vốn sản xuất kinh doanh ở một số dự án, doanh nghiệp còn vướng mắc, khó khăn… cần được các Bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức rà soát, đề ra giải pháp, lộ trình xử lý các vướng mắc pháp lý liên quan đến hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản của các dự án, báo cáo Ban Chỉ đạo trong tháng 12/2018.Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp và cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, xử lý theo thẩm quyền vấn đề giãn, giảm mức trích khấu hao tài sản của một số dự án, doanh nghiệp; xử lý nợ, lãi suất vay vốn của các dự án, doanh nghiệp tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam; xem xét, xử lý thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu đối với thạch cao nhân tạo… và các vấn đề khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, báo cáo Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng tiếp tục tái cơ cấu các khoản nợ vay của các dự án, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và nguyên tắc thị trường, cùng chia sẻ rủi ro. Điều chỉnh lại cơ chế vay, trả nợ cho phù hợp để hỗ trợ dự án, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo đánh giá các tác động của thị trường đến các sản phẩm hàng hóa của các dự án, doanh nghiệp trên và có giải pháp xử lý kịp thời theo chức năng, thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp; đề xuất tiêu chí, quy trình, thủ tục xem xét việc đưa ra khỏi Danh sách các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương đối với dự án, doanh nghiệp đã hoàn thành cơ bản việc xử lý các tồn tại, vướng mắc, sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi, báo cáo Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ.Các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp, đơn vị liên quan, trong quý IV/2018 chủ động tiếp tục đẩy mạnh xử lý các tồn tại, vướng mắc và nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch hành động thực hiện Đề án của Ban Chỉ đạo, đặc biệt là việc xử lý các vướng mắc về hợp đồng EPC và quyết toán dự án.Tăng cường các biện pháp quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xử lý các tồn tại, yếu kém tại các dự án, doanh nghiệp do mình quản lý; duy trì, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu Đề án.