Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tây Ban Nha kêu gọi các nước châu Âu đầu tư công nghệ xanh

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bà Teresa Ribera, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Khí hậu Tây Ban Nha, hiện là ứng cử viên hàng đầu cho việc dẫn dắt chính sách xanh tương lai của Ủy ban châu Âu (EC), cho biết khối phải nỗ lực nhiều hơn để theo kịp cuộc đua công nghệ xanh với Trung Quốc và Mỹ.

Bà Teresa Ribera, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Khí hậu Tây Ban Nha phát biểu tại Hội nghị về khí hậu tại Dubai vào tháng 12/2023. Ảnh: Amr Alfiky
Bà Teresa Ribera, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Khí hậu Tây Ban Nha phát biểu tại Hội nghị về khí hậu tại Dubai vào tháng 12/2023. Ảnh: Amr Alfiky

Các nhà lãnh đạo châu Âu dự kiến sẽ nhóm họp trong hôm nay (17/6) tại Brussels, Bỉ để thảo luận về những vị trí lãnh đạo sắp tới của Ủy ban châu Âu (EC), trong đó mỗi quốc gia thành viên châu Âu sẽ có một đại diện.

Bà Ribera, được chính phủ Tây Ban Nha đề cử cho một vị trí cấp cao chuyên trách về vấn đề khí hậu trong Ủy ban, đã bác bỏ lời kêu gọi của một số chính trị gia yêu cầu châu Âu giảm tốc quá trình chuyển đổi xanh. Thay vào đó, bà cũng cho biết cần phải nỗ lực nhiều hơn để giải quyết những tác động tiêu cực của quá trình này đối với người dân và các ngành công nghiệp.

"Đây sẽ là giai đoạn rất quan trọng đối với châu Âu. Chúng ta có thể vượt qua mọi khó khăn và đóng vai trò tích cực hơn trong nỗ lực xanh hóa toàn cầu," bà Ribera nói với truyền thông trong một cuộc phỏng vấn.

"Chương trình xanh là động lực tốt để chúng ta cùng theo đuổi và giành lại vị thế," bà nói.

Trong cuộc bầu cử thành viên Nghị viện châu Âu vào tháng này, Đảng Cực hữu đã chiếm được ưu thế và dự báo sẽ giành được nhiều ghế hơn, dù còn nhiều hoài nghi về quan điểm đối với những chính sách khí hậu. Trong khi đó Đảng Xanh không nhận được sự ủng hộ từ các cử tri. 

Bà Ribera cho biết việc hoạch định chính sách khí hậu trong tương lai sẽ khó khăn hơn, tuy nhiên việc trì hoãn quá trình chuyển đổi xanh của châu Âu cuối cùng sẽ phản tác dụng, khiến các công ty châu Âu mất lợi thế trong các ngành công nghiệp ít carbon và nông dân phải gánh chịu hạn hán khắc nghiệt hơn, với cái nóng thiêu đốt gây thiệt hại lớn tới ngành nông nghiệp.

Khi sự cạnh tranh toàn cầu về công nghệ xanh ngày càng gay gắt, châu Âu đang áp dụng lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Brussels tuần trước đã công bố thuế quan đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc và đang điều tra các khoản trợ cấp của Bắc Kinh cho các công ty nội địa trong lĩnh vực năng lượng gió và mặt trời.

Bà Ribera cho biết EC tiếp theo nên tham vấn các ngành công nghiệp địa phương để hiểu rõ hiện trạng và giúp họ "quay trở lại cuộc đua" với Mỹ và Trung Quốc, một phương án phù hợp có thể là tăng cường đầu tư công vào các công nghệ mới hoặc đơn giản hóa quy định thủ tục.

"Mỹ nhận ra rằng họ cần đầu tư vào ngành công nghiệp của chính mình, vì vậy họ đang thu hút tiền và đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả tiền từ châu Âu," bà nói. "Tại sao chúng ta không làm điều đó ở các quốc gia của mình?"

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Ủy ban châu Âu tiếp theo là đề xuất mục tiêu khí hậu năm 2040 của EU, qua đó định hướng châu Âu hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bà Ribera bày tỏ sự ủng hộ đề xuất ban đầu của Ủy ban về việc cắt giảm 90% lượng khí thải vào năm 2040, nhưng nhấn mạnh cần đưa ra các mục tiêu tham vọng hơn nữa nếu có thể.