Với phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, hàng loạt biện pháp đã và đang được lực lượng chức năng quận Tây Hồ nỗ lực triển khai thực hiện để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Giảm nhiệt các “điểm nóng”
Những năm trước đây, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, đường Lạc Long Quân, chợ hoa truyền thống Quảng An… lại tấp nập người mua, kẻ bán từ khắp nơi đổ về. Tuy nhiên, năm nay, tuyến đường chính qua chợ hoa Quảng An – đường Âu Cơ vẫn đang trong quá trình thi công khiến việc kết nối giao thông được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn.
Nhận thức được những khó khăn trên, ngay từ đầu năm 2024, các lực lượng chức năng quận Tây Hồ đã đưa ra không ít những giải pháp nhằm hạn chế thấp ảnh hưởng có thể xảy ra.
Trưởng ban Quản lý chợ quận Tây Hồ Dương Văn Trường chia sẻ, trước đây chợ hoa Xuân quận Tây Hồ được tổ chức tại khu vực chợ hoa truyền thống (phường Quảng An). Tuy nhiên, ở khu vực chợ hoa năm nay do đường Âu Cơ đang trong quá trình thi công, chưa hoàn thiện nên Ban Quản lý chợ đã đề xuất UBND quận, TP tổ chức chợ hoa mới ở khu vực vườn hoa Lạc Long Quân.
“Ngoài điểm chợ hoa Xuân tại khu vực vườn hoa Lạc Long Quân, quận Tây Hồ đã bố trí 8 điểm chợ hoa Xuân trải đều trên địa bàn quận để người dân thuận tiện mua bán” – ông Dương Văn Trường nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ bố trí những địa điểm thuận tiện nhất, các lực lượng chức năng quận Tây Hồ còn nỗ lực bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông tại khu vực tổ chức chợ hoa.
Công an quận Tây Hồ đã yêu cầu các đơn vị bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra, xử lý trường hợp, tụ điểm họp chợ bán hoa, cây cảnh không đúng nơi quy định, vi phạm về trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân cũng như nhu cầu vui Xuân, đón Tết của người dân.
Ông Hoàng Văn Tùng (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) chia sẻ, năm nào gia đình ông cũng tới chợ hoa Xuân quận Tây Hồ để mua sắm bởi sự đa dạng về chủng loại hoa, cây cảnh, giá cả cũng phải chăng. “Xung quanh khu chợ hoa luôn có lực lượng cảnh sát chốt trực làm nhiệm vụ, giúp người dân an tâm hơn rất nhiều trong quá trình mua bán” – ông Hoàng Văn Tùng chia sẻ.
Tạo thuận lợi, an toàn cho du khách và đơn vị kinh doanh
Không chỉ tập trung bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường… quận Tây Hồ còn đang đẩy mạnh biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo thuận lợi, an toàn cho du khách và đơn vị kinh doanh.
Ban Quản lý chợ quận Tây Hồ đã phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng uy tín trên địa bàn triển khai thực hiện gói hỗ trợ cho người dân thanh toán không dùng tiền mặt. Gần đây nhất (ngày 24/1), thông qua vận động của UBND phường Quảng An, 19 cửa hàng ăn uống ngoài khuôn viên phủ Tây Hồ đã thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hà (phường Nhật Tân) – tiểu thương đang kinh doanh tại chợ hoa Xuân quận Tây Hồ cho biết, giới trẻ bây giờ ít dùng tiền mặt, chủ yếu thanh toán bằng tài khoản. Do đó, nếu cứ giữ tư duy cũ thì hàng hóa sẽ không bán được cho ai.
Để bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông, Công an quận Tây Hồ đã yêu cầu Công an phường và các đơn vị chức năng xây dựng phương án phân luồng giao thông, phương án bố trí, sắp xếp vị trí, thời gian đỗ, dừng xe chở hoa, cây cảnh cũng như phương án tổ chức, quản lý các điểm chợ hoa Xuân, điểm trông giữ phương tiện cho người dân mua hoa, cây cảnh... không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh - Trưởng Công an quận Tây Hồ
Ngoài ra, vào những ngày giáp Tết, chợ hoa sẽ có nhiều thành phần, đối tượng lai vãng đến, nếu không bảo quản tiền mặt cẩn thận, công sức cả tháng, cả năm sẽ đổ “xuống sông, xuống biển. “Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp các hộ kinh doanh giảm thiểu thời gian nhận và trả lại tiền cho khách, không phải lo trả thừa tiền, nhận phải tiền giả như nhiều năm trước” – chị Nguyễn Thị Thúy Hà chia sẻ.
Không chỉ người bán, việc quận Tây Hồ vận động các hộ kinh doanh đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo của du khách thập phương. Chị Phùng Mỹ Hạnh (phường Trung Liệt, quận Đống Đa) chia sẻ, chị em phụ nữ khi đi lễ, đi chơi thường sẽ mang rất nhiều đồ đạc cá nhân như ví tiền, điện thoại…
Nếu không cẩn thận, lơ đãng, ví tiền, điện thoại sẽ bị kẻ gian lấy cắp. Do đó, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp người dân hạn chế phải mang tiền mặt theo người, giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những biện pháp đem lại thuận tiện, an toàn cho người dân và các cơ sở kinh doanh, thực hiện đúng tinh thần, nội dung chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ và TP Hà Nội.
“Trong thời gian tới, quận Tây Hồ sẽ tiếp tục vận động các cơ sở kinh doanh, người dân đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chỉnh trang đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm… tại các cửa hàng trên địa bàn nói chung và khu vực phủ Tây Hồ nói riêng. Qua đó nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như trách nhiệm trong việc phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị; thể hiện tinh thần quyết tâm xây dựng, phát triển du lịch bền vững của cấp ủy, chính quyền quận Tây Hồ” - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.