KTĐT - Giao thừa, mọi người ngồi lại bên nhau, chia sẻ những câu chuyện, cùng ăn những món ăn Việt Nam, cùng hát những bài hát về Tổ quốc Việt Nam để xua bớt đi nỗi nhớ. (Hữu Dư, Nga)
Đối với những du học sinh Việt Nam tại nước Nga, hẳn cũng như ở nhiều miền xa xứ khác, phút đồng hồ điểm lúc giao thừa cũng là lúc dâng tràn của bao cảm xúc hướng về quê hương. Có tình yêu da diết, có xúc động thiêng liêng, nhưng nhiều hơn cả là nỗi nhớ và những giọt nước mắt ở vào thời điểm mà các bạn vẫn bảo là “buồn nhất trong năm”.
Trần Ngọc Phú là sinh viên năm thứ 4, Đại học Tổng hợp Quốc gia Tula (Nga), đã có 4 cái Tết xa nhà. Mỗi năm một cảm xúc khác nhau nhưng không năm nào Phú vơi đi nỗi nhớ. Phú chia sẻ: “Lần đầu xa nhà đón Tết với những sụt sùi nước mắt và ngay cả đến bây giờ, đã 4 năm nhưng cứ đến thời khắc giao thừa đôi lúc mắt vẫn cứ đỏ hoe”.
Tết Nguyên đán của Việt Nam thường trùng với dịp nghỉ đông, đó là điều may mắn cho những du học sinh Việt Nam để các bạn có thời gian chuẩn bị Tết chu đáo. Cũng nhiều năm không trùng dịp nghỉ, 30, mồng 1 Tết vẫn phải đi học nhưng không vì thế mà cái Tết sơ sài. Có năm, Tết chỉ có duy nhất khoảnh khắc giao thừa được quây quần cùng nhau, nhưng họ vẫn dành nhiều tuần trước đó để chuẩn bị cho khoảnh khắc thiêng liêng.
“Không khí chuẩn bị Tết là lúc vui nhất. Ai cũng hào hứng, hồi hộp. Sau đó là nhiều cảm xúc lẫn lộn và nhất là nỗi nhớ nhà, đôi lúc là cả tủi thân nữa”, Phú tâm sự.
Mỗi năm, Phú cùng các bạn đều chuẩn bị Tết từ rất sớm, nhất là các loại thực phẩm để chế biến các món ăn truyền thống của Việt Nam. Bánh chưng, giò, chả... được đặt các anh chị công nhân người Việt trước đó vài tuần. Ngày 29 Tết, mọi người thường thức trắng đêm để dọn dẹp và trang trí lại phòng để đón giao thừa.
Cành đào được chuẩn bị bằng việc cắt giấy dán vào các cành táo khô, câu đối cũng tự cắt và dán để mang về một chút không khí thân thuộc nơi quê nhà. Giao thừa, mọi người ngồi lại bên nhau, chia sẻ những câu chuyện, cùng ăn những món ăn Việt Nam, cùng hát những bài hát về Tổ quốc Việt Nam để xua bớt đi nỗi nhớ.
Tết của những du học sinh Việt Nam tại Đại học tổng hợp Tula (Nga) được chuẩn bị khá đầy đủ, có bánh chưng, có giò chả, có miến, có nem, có gà luộc... Để chuẩn bị cho các món ăn đó, việc tìm nguyên liệu và các thực phẩm cũng nhiều vất vả. Tuy còn thiếu nhiều hương vị nhưng đó là những món ăn đậm chất quê hương, đậm chất Việt Nam. Ai cũng cảm thấy thật trân trọng và gần gũi. Quây quần trong bữa cơm cuối năm không chỉ có bè bạn đồng hương mà còn có bạn bè người nước ngoài và các giáo viên người Nga cùng tham dự.
Patima và Coryna là hai sinh viên người Indonesia, năm nào cũng được Phú và các bạn mời tham dự Tết cùng các du học sinh Việt Nam. Hai bạn rất thú vị với truyền thống văn hóa Tết Việt. Đặc biệt, cả hai đều rất thích món nem rán của Việt Nam. Còn cô Natalia là cô giáo dạy tiếng Nga tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Tula. Cô luôn là khách mời danh dự của những du học sinh Việt Nam mỗi khi Tết đến. Đã từ lâu, cô được những du học sinh Việt Nam coi như người mẹ. Sự hiện diện của cô làm ấm áp thêm cái không khí quây quần, cảm giác ấm áp như một gia đình.
Trần Ngọc Phú chia sẻ: "Cô Natilia rất thú vị và trân trọng những phong tục Tết cổ truyền của Việt Nam. Dù khác nhau về ngôn ngữ và văn hóa nhưng hai chữ Việt Nam luôn có một góc thân thương và thân thuộc trong tình cảm của mọi người".
Trong đêm giao thừa thiêng liêng, mọi người diện quần áo thật đẹp để như được sống thực sự những ngày Tết ở quê nhà. Chiếc đồng hồ để múi giờ Việt Nam được đặt trang trọng. Ai cũng chăm chú vào từng khắc thời gian. Khi ba chiếc kim cùng chỉ về một hướng, mọi người cũng thắp hương lên mâm ngũ quả, cầu mong những điều tốt đẹp và may mắn trong năm mới.
Sau khi ăn bữa cơm đầu năm, ai cũng ôm lấy máy tính, “chat” về gia đình. Có những giọt nước mắt, có những tiếng khóc nức nở. Thời khắc giao thừa đến, đó cũng là thời điểm buồn nhất và nhiều nỗi nhớ nhất trong năm của những du học sinh Việt Nam tại Nga.
Phú bảo: “Có thể mọi người sẽ thấy bình thường, nhưng với bọn mình, nó quan trọng và thiêng liêng lắm. Chỉ có những ai đi xa Tổ quốc mới có thể cảm nhận hết điều đó”.