Thạch Thất đạt nhiều kết quả trong xây dựng nông thôn mới

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/8, tại huyện Thạch Thất (Hà Nội), đoàn thẩm định Nông thôn mới Trung ương đã tổ chức Hội nghị thẩm định đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) của huyện Thạch Thất năm 2020.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, tình hình phát triển kinh tế - xã hội luôn ổn định và tăng trưởng ổn định, bình quân đạt 14,92%/năm, các chỉ tiêu pháp lệnh đều đạt và vượt kế hoạch TP Hà Nội giao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị, dân chủ cơ sở được củng cố và ngày phát huy.
Đoàn thẩm định NTM Trung ương làm việc tại huyện Thạch Thất.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp - Xây dựng và Thương mại - Dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp. Nếu như năm 2010, cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - Xây dựng chiếm 66,6%; Thương mại - dịch vụ - du lịch 18%; Nông - Lâm - Thủy sản 15,4%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 13,1 triệu đồng/người/năm. Thì đến năm 2019 cơ cấu lần lượt là 69,5%, 23,8% và 6,7%; Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 63 triệu đồng/người/năm.
Công tác xây dựng NTM được tập trung tối đa nguồn lực, giai đoạn 2010 - 2019 huyện đã bố trí được 4.181.363 triệu đồng để đâu tư hạ tầng kinh tế - xã hội. 100% trục chính đường liên thôn được cứng hóa, bên tông, dải nhựa asphalt; 100% trạm y tế các xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 84% thôn có nhà văn hóa; 89,9% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 81% sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,58%. Đến nay, đã được TP Hà Nội công nhận 21/21 xã công nhận đạt chuẩn NTM.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM, huyện Thạch Thất vẫn còn những khó khăn, hạn chế, như: quy hoạch NTM và các quy hoạch khác trên địa bàn phải điều chỉnh nhiều lần; mật độ dân số và tỷ lệ lao động trong nông nghiệp lớn, số lượng lao động có tay nghề cao còn thấp; quá trình đô thị hóa nhanh dẫn đến những phát sinh về ô nhiễm môi trường...
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho biết, đánh giá về NTM tiêu chí đầu tiên đó là thu nhập bình quân đầu người, về vấn đề này huyện Thạch Thất đã thực hiện rất tốt. Sau 10 năm triển khai chương trình NTM thu nhập bình quân đầu người của huyện đã tăng thêm 49,9 triệu đồng so với năm 2010, các tiêu chí về hạ tầng, giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục, an ninh - trật tự đều được đảm bảo.
Tuy nhiên, vấn đề về môi trường đang là thách thức lớn đối với huyện, cần phải đánh giá kỹ và đưa ra các giải pháp khắc phục trong giai đoạn 2021 - 2025.
“Đối chiếu các tiêu chí, huyện Thạch Thất đầy đủ điều kiện để trình Chính phủ xem xét, công nhận NTM. Nhưng huyện cần phải chú ý đến vấn đề phát triển môi trường bền vững. Trong kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, huyện tập trung nhiều vào việc kiện toàn và cải thiện hệ thống xử lý nước thải làng nghề, nhưng theo tôi cần phải tập trung vào cả việc xử lý nước thải trong khu dân cư” - ông Nguyễn Minh Tiến cho hay.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan đã tiếp thu ý kiến đóng góp, thẩm định của đoàn thẩm định và cam kết những nội dung đoàn góp ý huyện sẽ tập trung xây dựng giải pháp cụ thể đối với từng vấn đề để hoàn thiện trong giai đoạn tiếp theo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần