Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thạch Thất phát triển các mô hình kinh tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là huyện có diện tích thu hồi đất lớn phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia và TP, lãnh đạo huyện Thạch Thất luôn mong muốn phát huy hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị sử dụng đất nâng cao đời sống người dân.

Một trong những giải pháp mà huyện đang thực hiện là phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế.

Giải quyết tốt việc làm

Theo Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn, ở Thạch Thất không thiếu việc làm. Vấn đề là người lao động có làm hay không? Bởi thực tế, mặc dù là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất thu hồi phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia và TP nhiều nhất trong các huyện của tỉnh Hà Tây trước đây, nhưng Thạch Thất không lo thiếu việc làm. Đó là nhờ một chuỗi các làng nghề trên địa bàn huyện.
Áp dụng cấy máy tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Ảnh: Hữu Lạc
Áp dụng cấy máy tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Ảnh: Hữu Lạc
Hiện tại, mỗi ngày các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn huyện thu hút hàng chục ngàn lao động từ khắp các huyện quanh vùng như Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai và cả huyện Lương Sơn (Hòa Bình) về làm. Chưa kể lượng công nhân các khu công nghệ cao Hòa Lạc, các công ty may, sản xuất giày dép khác trên địa bàn. Chỉ tính riêng các làng nghề mộc của huyện như Chàng Sơn, Hữu Bằng, Canh Nậu… mỗi ngày đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Nghề mộc có rất nhiều công đoạn và mỗi công đoạn lại cần một lực lượng người lao động có tay nghề, lứa tuổi khác nhau từ thợ giỏi đến lao động phổ thông. Người già, phụ nữ lúc nông nhàn có thể tham gia đánh giấy ráp cho các sản phẩm gỗ đã hoàn thiện. Thanh niên trai tráng trẻ, khỏe có công việc đứng máy xẻ, tiện, phay, bào, đục. Đội ngũ thợ giỏi có tay nghề cao thực hiện khâu kỹ thuật chạm, trổ, vào mộng, lắp ráp sản phẩm… Nói chung, mỗi người nếu muốn lao động đều có việc của mình quanh năm, suốt tháng.

Ông Nguyễn Kim Loan – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, tổng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2016 của huyện đạt 5.177.853 triệu đồng. Con số này bằng 53% kế hoạch năm và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015.

Ứng dụng công nghệ cao

Tuy có những lợi thế về việc làm nhưng lãnh đạo huyện Thạch Thất luôn trăn trở tìm các giải pháp nâng cao hơn nữa thu nhập và mức sống cho người dân. Với việc diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho nông dân. Một trong những giải pháp căn bản mang tính bền vững lâu dài của sản xuất nông nghiệp được lãnh đạo huyện Thạch Thất quan tâm là phát triển các mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, từ năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện đã được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện các mô hình này. Ông Nguyễn Bùi Hải - Trạm trưởng trạm Khuyến nông Thạch Thất cho biết, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, đến nay, Thạch Thất đã thực hiện 3 mô hình là sản xuất khoai tây giống vụ Xuân ở Hương Ngải; sản xuất hoa ly có giá trị kinh tế cao ở Đại Đồng và mô hình cơ giới hóa đồng bộ tại Thạch Xá. Các mô hình này sau khi nghiệm thu đều cho kết quả kinh tế và hiệu quả xã hội, môi trường cao. Như mô hình khoai tây vụ Xuân cao hơn 5 lần so với trồng lúa với năng suất 20,85 tấn/ha, lợi nhuận 123.306.000 đồng/ha. Hơn nữa, trồng khoai tây vụ Xuân sớm cho thu hoạch nên có thể sản xuất thêm một vụ dưa Hè tăng thêm hiệu quả hệ số sử dụng đất. Đối với mô hình hoa ly, hiệu quả kinh tế còn cao hơn nữa. Chỉ với 1.000m2 đất, người trồng đã có lợi nhuận gần 64 triệu đồng. Nếu mô hình nhân rộng và cho kết quả tốt, 1ha sẽ có lợi nhuận từ 600 – 700 triệu đồng, một hiệu quả về sử dụng đất rất cao trong nông nghiệp.

Huyện đưa mô hình cơ giới hóa đồng bộ cả 3 khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch tại xã Thạch Xá. Ông Hải cho biết, sản xuất bằng phương pháp cơ giới hóa đồng bộ có nhiều ưu điểm hơn cấy truyền thống. Đó là lượng giống sử dụng ít hơn, thời gian sinh trưởng ngắn hơn và năng suất cao hơn gần 4 tạ/ha. Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, người dân chủ động được vụ mùa, giảm chi phí, đặc biệt là công lao động, tăng thu nhập khoảng hơn 9 triệu đồng/ha.                                                                     
Vấn đề quan trọng là khả năng áp dụng các mô hình vào sản xuất thực tế, nhân rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế trên hệ số sử dụng đất. Mục đích cuối cùng là giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống trên diện tích canh tác của mình.
Ông Kiều Hoàn Tuấn Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất