70 năm giải phóng Thủ đô

Thái Nguyên: tăng cường quản lý kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử

VIỆT HÀ - GIA HUY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên, đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan, tăng cường rà soát và thống kê các cơ sở kinh doanh TMĐT trên địa bàn.

Đội QLTT số 4  làm nhiệm vụ.
Đội QLTT số 4 làm nhiệm vụ.

Trong những năm gần đây, TMĐT đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối quan trọng và phương thức kinh doanh phổ biến trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Tại thành phố Phổ Yên, Sông Công, cùng các huyện, thành thị khác trong tỉnh, số lượng tổ chức và cá nhân tham gia kinh doanh trên nền tảng TMĐT ngày càng đông đảo. Sự bùng nổ này đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh qua mạng.

Các loại hình kinh doanh trực tuyến ngày càng phổ biến, nhưng đồng thời cũng xuất hiện nhiều hành vi vi phạm như kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có giấy phép kinh doanh.

Nhằm đẩy mạnh hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, Đội QLTT số 4 đã phối hợp với các lực lượng chức năng, tăng cường thực hiện công tác rà soát và thống kê các cơ sở có hoạt động kinh doanh TMĐT.

Trong tháng 10 vừa qua, Đội QLTT số 4 đã tiến hành rà soát, thống kê và tuyên truyền để các cơ sở kinh doanh cam kết không sản xuất, tàng trữ hoặc kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng hóa không rõ nguồn gốc. Đến nay, đã có 41 cơ sở ký cam kết.

Thời gian tới, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Đội QLTT số 4 sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực TMĐT; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến kiến thức pháp luật cho các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT.

Đội cũng sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.