Đứng trước nguy cơ bị pháp luật “sờ gáy”, nhất là sau khi “thái tử” Samsung Lee Jae-yong bị bắt vì dính tới bê bối chính trị, tham nhũng của bạn thân Tổng thống, vì lo bị “sờ gáy”, các tập đoàn lớn (chaebol) Hàn Quốc đang lần lượt đẩy nhanh việc cải cách bộ máy theo hướng kinh doanh minh bạch và hợp pháp.
Lãnh đạo các chaebol trong phiên điều trần vụ bê bối liên quan đến Tổng thống Hàn Quốc trước Quốc hội hồi tháng 12/2016. |
Dẫn đầu đợt cải cách lần này là Lotte - tập đoàn lớn thứ 5 tại Hàn Quốc. Trong một cuộc họp hôm 22/2, lãnh đạo Lotte đã quyết định lựa chọn từ trung tâm "đầu não" của tập đoàn 40 người có nhiệm vụ đảm bảo hoạt động kinh doanh phải minh bạch và hợp pháp. Động thái cải tổ bộ máy phản ánh nỗi “bất an” của Lotte, sau khi tập đoàn này đối mặt với một năm sóng gió vì các cuộc điều tra về cáo buộc gây “quỹ đen" và tranh quyền nội bộ và phải trả giá bằng việc bị chính phủ trước quyền thuê "đất vàng". Chưa khắc phục xong hậu quả từ các vụ việc này, từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017, Lotte lại vướng vào cáo buộc hối lộ khi ủng hộ tiền cho 2 quỹ phi lợi nhuận do bạn thân Tổng thống Hàn Quốc thành lập.
Với Samsung, từ trước bê bối chính trị bùng phát, ban lãnh đạo của Tập đoàn đã cố gắng cải tổ bộ máy quản lý nhưng tiến trình này đã bị chậm lại do “thái tử” Lee Jae-yong bị bắt. Đúng theo kế hoạch cải cách, ban lãnh đạo Samsung sẽ tập trung vào việc dỡ bỏ “Nhóm chiến lược kinh doanh” mới dưới sự quản lý của Phó Chủ tịch Lee Jae-yong. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đang hướng sự chú ý tới sự cải tổ nhân sự của CJ - tập đoàn khổng lồ về thực phẩm của Hàn Quốc. Dự kiến “ông lớn” ngành thực phẩm Hàn Quốc sẽ có cuộc họp bàn về kế hoạch cải tổ bộ máy tổ chức vào cuối tháng 2. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, nhiều tập đoàn lớn khác dù không có dính tới vụ bê bối tham nhũng của bạn thân Tổng thống Hàn Quốc, cũng đang tích cực triển khai cải cách bộ máy quản lý, do sợ bị pháp luật “sờ gáy”.
Chaebol đóng vai trò quan trọng trong việc biến Hàn Quốc từ một nền kinh tế nhỏ trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, mối quan hệ mật thiết giữa chaebol và chính phủ đã trở thành đề tài gây tranh cãi của dư luận do các tập đoàn được cho là nguyên nhân chủ yếu gây nên chênh lệch giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc. Dù "thái tử" Samsung bị bắt là yếu tố bất ngờ với ngay cả chính giới và giới kinh doanh nhưng nó cũng không đủ để xóa tan mối nghi ngờ của dư luận.
Nhiều người cho rằng, vụ bắt giữ diễn ra vì toan tính của các đảng phái trong bối cảnh bầu cử Tổng thống trước thời hạn sẽ diễn ra còn liên minh giữa cheabol và chính giới sẽ không bị ảnh hưởng sau khi cuộc khủng hoảng tại Nhà Xanh được giải quyết. Nghi ngại này hoàn toàn có cơ sở vì các tài phiệt thường nhận được sự “khoan hồng” từ chính phủ dù vi phạm luật pháp. Điển hình như việc Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun Hee từng 2 lần được ân xá do chính phủ lo ngại tác động tiêu cực của sự việc đối với nền kinh tế hay Chủ tịch SK Group Chey Tae-won bị buộc tội biển thủ công quỹ nhưng vẫn được ra tù trước thời hạn…