Thăm dò kỹ lưỡng, quốc tế công nhận chiến thắng Covid-19 của Việt Nam

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hãng ABC News của Australia mới đây lý giải vì sao số liệu Covid-19 nổi bật của Việt Nam không hề cường điệu, là kết quả chống dịch mà các chính phủ từ Mỹ đến Italia chỉ có thể mơ ước.

Sau khi thăm dò 13 nhà tang lễ ở Hà Nội, hãng tin Reuters được cho không ghi nhận bất cứ đột biến nào về số lượng đám tang trong bối cảnh đại dịch. 
Có đường biên giới kéo dài với Trung Quốc, dân số hơn 90 triệu người và GDP bình quân đầu người thấp hơn 22 lần so với Australia, Việt Nam đến nay báo cáo chưa đến 300 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 249 người đã được chữa khỏi. Đặc biệt, con số 0 ca tử vong của Việt Nam thực sự khiến thế giới phải ghen tị.
So sánh với quốc gia giàu có Singapore cùng thuộc khu vực Đông Nam Á, với dân số ít hơn Việt Nam nhưng đang chứng kiến con số khổng lồ 23.787 người nhiễm virus, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Mike Toole của Viện Burnet nói với ABC: "Việt Nam đã không rơi vào tình huống đó. Tôi nghĩ đó là một thành tựu đáng chú ý đối với một đất nước rộng lớn như vậy".
Đáng nói, trong khi không ít nghi vấn đặt ra về tính xác thực của số liệu dịch bệnh được báo cáo tại nhiều quốc gia, hầu hết các chuyên gia tin rằng chính quyền Việt Nam hoàn toàn trung thực về các thống kê Covid-19 của quốc gia.
Sau khi thăm dò 13 nhà tang lễ ở Hà Nội, hãng tin Reuters được cho không ghi nhận bất cứ đột biến nào về số lượng đám tang trong bối cảnh đại dịch.
Sharon Kane, Giám đốc Quốc gia của tổ chức phi chính phủ Plan International tại Việt Nam, nói với ABC: "Tôi biết trông có vẻ như bị 'tẩy não', nhưng tôi không thấy bất cứ dấu hiệu nghi vấn nào về tính chính xác hay thiếu minh bạch trong các con số báo cáo".
"Đã có nhận thức và báo cáo trung thực của Chính phủ từ đầu tháng 1 về nguồn lực lâm sàng hạn chế nếu dịch bệnh này kéo dài, vì vậy Việt Nam đã nhanh chóng cố gắng kiểm soát nó", bà Kane nói thêm. Giáo sư Toole thì lưu ý: "Họ (chính quyền Việt Nam) không giả vờ căn bệnh như bệnh cúm thông thường. Họ mô tả rõ các triệu chứng và hướng dẫn mọi người nơi để thử nghiệm".
Chìa khóa thành công của Việt Nam được cho là nhờ chiến lược thử nghiệm, theo dõi liên lạc tích cực và công tác truyền thông công cộng hiệu quả. Và theo ABC, quan trọng nhất là Việt Nam đã làm những điều này một cách nhanh chóng.
"Đánh giá rủi ro đầu tiên của quốc gia đã được tiến hành vào đầu tháng 1, tức là ngay sau khi các trường hợp ở Trung Quốc bắt đầu được báo cáo", đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Park Ki Dong, từng nói với AAP.
Theo bà Kane, Chính phủ Việt Nam dường như đã rút ra được nhiều bài học từ dịch SARS năm 2003, từ đó "khéo léo sử dụng kinh nghiệm phong phú này và hành động có trách nhiệm".
Chuyên gia Mike Toole lưu ý: "Vào thời điểm Mỹ thậm chí không có một bài kiểm tra nào, Việt Nam đã có 3". Giáo sư đánh giá hành động của Việt Nam dường như "nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới ngoài Trung Quốc".
"Việt Nam đã chọn một chiến lược 'chi phí thấp' để thử nghiệm những người phải cách ly, thay vì tiến hành sàng lọc quy mô lớn tốn kém", ABC dẫn lời cựu Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Tôn Sinh Thành, viết gần đây.
Theo ABC, Việt Nam hiện tiếp tục hồi hương công dân của mình, nghĩa là mối đe dọa Covid-19 ngoại nhập vẫn còn. Như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở hồi tuần trước: "Nguy cơ của Covid-19 hiện đang ở mức thấp và đó là một điều tốt. Nhưng chúng ta cần phải cảnh giác".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần