Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tham nhũng vặt vẫn là nỗi lo

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 4/11, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN); công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2019 và các báo cáo công tác của khối tư pháp. Phiên thảo luận về nội dung này kéo dài hết sáng 5/11.

"Không nghỉ, không chùng xuống”
Đánh giá của Chính phủ về công tác PCTN năm 2019 cho thấy, công tác này tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, "không dừng", "không nghỉ", "không chùng xuống" và đạt nhiều kết quả nổi bật. Các vụ án, vụ việc với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, tiếp tục khẳng định quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Đồng thời, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều tiến bộ, có nhiều vụ việc phức tạp đã thực hiện vượt tiến độ, kế hoạch, khắc phục dần tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
 Làm tốt công tác cải cách hành chính để tránh gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân. Ảnh: Hải Linh
Cùng với việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều quy định liên quan đến PCTN, một kết quả nổi bật nữa cũng được chỉ ra là các cơ quan truyền thông và báo chí tích cực tuyên truyền, thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng…
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 22 đối tượng (bằng số vụ và tăng 4,7% số đối tượng so với năm 2018); qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 48 vụ, 37 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (giảm 28,3% số vụ). Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 30 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (giảm 61,7% số vụ).
Cơ quan điều tra Công an đã khởi tố mới 214 vụ, 487 bị can (giảm 18 vụ, tăng 56 bị can so với cùng kỳ năm 2018); thiệt hại trên 1.028 tỷ đồng và 22.069m2 đất; thu hồi 615.06 tỷ đồng và 11.867m2 đất; kê biên trên 795 tỷ đồng. Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 217 vụ, 653 bị can.
Cơ quan điều tra Viện KSNDTC khởi tố mới 12 vụ, 16 bị can (giảm 5 vụ, 6 bị can). TANDTC các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 344 vụ, 849 bị cáo (tăng 31 vụ so với năm 2018); đã xét xử sơ thẩm 240 vụ, 517 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Có 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân.
Chưa ngăn chặn hiệu quả tham nhũng vặt
Tuy nhiên, trong những hạn chế được Chính phủ chỉ ra, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng vẫn chưa phát huy toàn diện. Một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung…
Đặc biệt, mặc dù các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt hơn để ngăn chặn “tham nhũng vặt”, nhưng tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc, “tham nhũng vặt” vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Trên nhiều lĩnh vực còn thiếu các biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục.
Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ. Hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm kinh tế, nhưng việc phát hiện tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật vẫn còn ít…
Tại phiên họp của UBTV Quốc hội vừa qua, khi thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng lưu ý đến việc để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật. Một số vụ việc nổi cộm đã được nêu ra như Đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng nhận hối lộ khi thanh tra tạt một số đơn vị của tỉnh Vĩnh Phúc; 5 cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa nhận hối lộ trong quá trình thanh tra một số địa phương của tỉnh này… “Tình trạng này làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật” - bà Nga nhấn mạnh.
Cùng với đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng cũng được nhận định chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý. Năm 2019, có 21 người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng (giảm 8 người so với cùng kỳ năm 2018).
Vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, người dân hoặc vi phạm nghiêm trọng về quy tắc ứng xử, trong đó có những trường hợp rất phản cảm và gây bức xúc trong dư luận, đó là những vấn đề đặt ra để tìm ra giải pháp quyết liệt hơn, giúp ngăn chặn hiệu quả.