Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thận trọng xử lý cây xanh trong trường học

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau sự cố cây đổ làm một học sinh tử vong ở TP Hồ Chí Minh, đó đây đã xảy ra hiện tượng “không quản được thì cấm”, khi chặt hạ hầu hết cây xanh lâu năm tại trường học. Với Thủ đô Hà Nội, hoạt động này được yêu cầu xử lý thận trọng, an toàn, đủ chuyên môn.

Yên tâm vì đã “kiểm tra sức khỏe” định kỳ
Ít ngày trước, dư luận bàng hoàng khi chứng kiến một học sinh tử vong tại trường học ở quận 3, TP Hồ Chí Minh do cây gãy đổ đè phải. Ngay sau đó, nhiều người dân lại chứng kiến cảnh một số trường học triển khai đốn hạ cây lâu năm mà không qua thăm khám.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Công Phương – Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh cho biết, sau sự cố nói trên, nhiều trường học đã liên hệ với công ty để hỗ trợ chặt hạ cây xanh lâu năm. Ông Phương cho rằng, đa số lãnh đạo nhà trường đều không có kiến thức sâu về cây xanh. Ngoài ra, một số trường để tiết kiệm thời gian đã mua cây lớn sẵn về trồng để sớm có không gian xanh. Đây là một “điểm hở” chết người, bởi nếu không xử trí kỹ càng, các cây lớn này chưa thể hòa nhập với nền đất mới, có thể ngã đổ bất cứ lúc nào, đặc biệt là mưa to, gió lớn trong mùa mưa bão.
 Cây xanh tại trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Tại Hà Nội, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Ngọc Anh – Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, ngay khi có sự cố đáng tiếc xảy ra trong môi trường giáo dục, quận Cầu Giấy đã lập tức tiến hành rà soát toàn bộ cây xanh ở 93 cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo ông Ngọc Anh, việc thăm khám cây xanh được các nhà trường tổ chức hàng năm, với sự tư vấn, tiến hành cắt tỉa từ cơ quan chuyên môn.
Với tâm thế sẵn sàng ứng phó với mùa mưa bão cũng như an toàn trong môi trường giáo dục, từ trung tuần tháng 5, UBND quận Ba Đình đã duyệt chi hơn 1,1 tỷ đồng cho việc cắt tỉa cây nặng tán, chặt hạ cây nguy hiểm, cây có nguy cơ gãy đổ. Theo ông Lê Đức Thuận – Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình, việc chăm sóc, cắt tỉa, thăm khám cây xanh tại các cơ sở giáo dục được tổ chức định kỳ, do đó về cơ bản, các nhà trường đều khá yên tâm trước mùa mưa bão.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn
Rà soát và triển khai một cách thận trọng khi thăm khám cây xanh trường học, bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho hay: “Các trường được yêu cầu phối hợp với công ty cây xanh, cơ quan tài nguyên môi trường để tiến hành đánh giá sức khỏe các cây xanh, sau đó, tổng hợp báo cáo lãnh đạo quận để báo cáo TP” – bà Hằng cho biết. Cũng theo bà Hằng, trên địa bàn quận Hà Đông, phần lớn số trường học đều mới thành lập hoặc trồng cây mới, do đó, việc cắt tỉa hay thăm khám chỉ tập trung ở một số trường có cây lâu năm.
Ông Phùng Ngọc Oanh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì thông tin, toàn huyện có 60 trường học (6 trường mầm non, 29 trường tiểu học, 25 trường THCS) với 281 cây to, lâu năm. 100% số trường đã tổ chức thăm khám, cắt tỉa cây xanh. “Không chờ chỉ đạo sau sự vụ đáng tiếc ở TP Hồ Chí Minh, tại địa phương, hàng năm, cứ trước mùa mưa bão, các nhà trường đều tổ chức phối hợp với công ty cây xanh tổ chức kiểm tra, cắt tỉa, chặt hạ các cây xanh quá tuổi, quá tán để bảo đảm an toàn” – ông Oanh cho biết.
Như vậy, qua ghi nhận của phóng viên, các cơ sở giáo dục ở Thủ đô đã có sự chủ động trong việc bảo đảm an toàn về cây xanh nói riêng và môi trường giáo dục nói chung.

"Việc kết thúc năm học 2019 - 2020 vào khoảng giữa tháng 7 – đúng mùa mưa bão, do đó, công tác an ninh, an toàn tại trường học cần được đề cao hơn. Trong đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường học chủ động rà soát cây xanh, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, cán bộ nhà trường, tổ chức kiểm tra các tường rào, trần, tường nhà, hệ thống cống rãnh, lưới điện để bảo đảm tính an toàn trong môi trường giáo dục." - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng