Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thắng lợi lịch sử của WTO

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo chương trình nghị sự, Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 diễn ra từ 3 - 6/12 tại Bali, Indonesia, nhưng các cuộc đàm phán đã phải kéo dài thêm một ngày do bất đồng giữa Mỹ với Ấn Độ và Cuba.

Rất may, mọi bất đồng đã được tháo gỡ vào phút cuối, mở đường cho việc thông qua Gói cam kết thương mại Bali (Gói Bali) - thỏa thuận toàn cầu đầu tiên của WTO kể khi tổ chức này ra đời năm 1995.

Trước khi Hội nghị tại Bali diễn ra, không nhiều chuyên gia có nhận định lạc quan về kết quả đàm phán. Thậm chí các nhà phân tích chính trị cho rằng, thất bại tại Bali sẽ giáng thêm một đòn mạnh vào uy tín của WTO. Trên thực tế, các cuộc đàm phán tưởng chừng đã đổ vỡ do những khác biệt giữa Ấn Độ và các đối tác thương mại khác do Mỹ dẫn đầu về vấn đề trợ giá lương thực. Ngoài ra, còn có một trở ngại khác là 4 quốc gia Mỹ La-tinh phản đối việc loại bỏ khỏi thỏa thuận một nội dung liên quan đến lệnh cấm vận của Mỹ với Cuba.
Các đại biểu dự Hội nghị vui mừng khi Gói Bali được thông qua.           Ảnh: AFP
Các đại biểu dự Hội nghị vui mừng khi Gói Bali được thông qua. Ảnh: AFP
Liên quan đến những vấn đề trên, trong bài phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn Việt Nam Nguyễn Cẩm Tú đã kêu gọi một sự linh hoạt và thỏa hiệp lớn hơn của tất cả các nước thành viên WTO, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực và xóa đói nghèo. Rất may tất cả những bất đồng này đã được thu xếp ổn thỏa và Gói Bali đã được thông qua vào phút chót. Dù thỏa thuận này không đạt được mục tiêu đồ sộ của WTO trong việc xóa bỏ rào cản thương mại toàn cầu nhưng với những cam kết đơn giản hóa các thủ tục hải quan, hạn chế trợ cấp nông nghiệp và các chính sách hỗ trợ những nước kém phát triển nhất, Gói Bali thực sự là một cú hích "lịch sử" với nền kinh tế thế giới.

Theo Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, nếu thỏa thuận này được thực thi, nó có thể đem lại 1.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới và tạo ra 21 triệu việc làm, trong đó có 18 triệu việc làm cho các nước đang phát triển. Trong khi đó, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cho biết, người dân trên toàn thế giới sẽ được hưởng lợi từ Gói Bali, đặc biệt là những người nghèo, người thất nghiệp và người không được bảo vệ. Ngoài ra, thỏa thuận tại Bali còn tạo điều kiện để các nước kém phát triển và đang phát triển thực thi chương trình an ninh lương thực, giúp hàng tỷ người nghèo nhất trên thế giới được hưởng lợi.

Tuy nhiên, sau chiến thắng tại Bali, nếu WTO không thể đạt được những thỏa thuận lớn có tính chất toàn cầu, tổ chức này sẽ bị các thỏa thuận thương mại trong khu vực gạt sang một bên. Sự hình thành của các thỏa thuận như Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP)… đã tăng sức mạnh kinh tế cho một thị trường khu biệt hơn và khiến WTO trở nên lỗi thời.

Rõ ràng, Gói Bali - thỏa thuận thương mại toàn cầu đầu tiên của WTO kể từ khi ra đời năm 1995 đã củng cố uy tín của WTO, giúp hạ thấp các rào cản thương mại và đẩy nhanh lưu thông hàng hóa thông qua hải quan. Tuy nhiên, con đường xóa bỏ các rào cản thương mại, hướng tới một thị trường chung toàn cầu vẫn còn nhiều chông gai, lắm thách thức, đòi hỏi 160 nước thành viên của WTO phải nỗ lực nhiều hơn nữa, gạt bỏ những lợi ích riêng để đạt được tiến bộ chung.