“Talent Wins” là kết quả của hàng nghìn cuộc đối thoại với các lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ trên khắp thế giới – những người tin rằng lợi thế cạnh tranh của tổ chức nằm ở cách thức họ chiêu mộ, phát triển và sử dụng nhân tài.
Ông Barton cho biết: “Lãnh đạo tại các công ty biết trọng dụng nhân tài đều chú trọng đến con người tương tự như cách họ chú trọng tới chiến lược và tài chính doanh nghiệp. Họ coi những cân nhắc liên quan đến nhân tài là một phần không thể thiếu trong mọi quyết định chiến lược quan trọng và đảm bảo lồng ghép yếu tố chú trọng nhân tài như một phần xuyên suốt trong văn hóa doanh nghiệp.”
Tại Việt Nam, ông Barton đã chia sẻ quan điểm của mình về thị trường năng động tại quốc gia này – yếu tố sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức và lực lượng lao động trong nước linh hoạt hơn trong việc thích ứng với môi trường thay đổi nhanh chóng dựa trên nền tảng công nghệ trong thế kỷ 21.
Ông Barton cũng cho biết: “Các doanh nghiệp tại Việt Nam cần nhận thức được rằng quản trị nhân tài là một hoạt động có tính chất gia tăng. Đồng thuận ở cấp lãnh đạo đứng đầu; nỗ lực liên tục để phát triển nhân tài; cam kết gắn kết nhân tài và chiến lược; tạo dựng cơ cấu doanh nghiệp linh hoạt – các yếu tố này khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra hiệu ứng theo cấp số nhân có thể gia tăng đáng kể giá trị đem lại cho tổ chức và nền kinh tế.”
Tại cuộc gặp mặt tổ chức riêng hôm nay với các lãnh đạo cấp cao đến từ các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, ông Barton – người đã dành nhiều thập kỷ tư vấn giúp các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu xác định và triển khai chiến lược doanh nghiệp – đã thảo luận về các xu hướng trong chuyển đổi số của Việt Nam và yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp cần phải chú trọng tới yếu tố nhân tài để duy trì năng lực cạnh tranh.
Ông Barton cho rằng: “Những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ số sẽ thay đổi bản chất công việc mà chúng ta làm – con người sẽ cần thực hiện những công việc mang tính chất bổ trợ cho những gì máy móc làm. Việc này cần phải đi đôi với nỗ lực trang bị lại kỹ năng và trình độ được tiến hành một cách đồng bộ mà nghiên cứu của McKinsey chỉ ra rằng có thể sẽ tác động tới 4,4 triệu người Việt Nam vào năm 2030. Cả doanh nghiệp lẫn chính phủ đều cần phải đương đầu với thách thức và tận dụng cơ hội, đồng thời trong quá trình đó ưu tiên tạo ra các năng lực và kỹ năng số mới để hỗ trợ sự chuyển đổi của lực lượng lao động với quy mô nêu trên”.