Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thanh Hóa đứng đầu Bắc Trung Bộ về tốc độ tăng trưởng

Hiền Thinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 11,5%, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 3 cả nước.

Thanh Hóa tốc độ tăng trưởng GRDP đứng đầu Bắc Trung Bộ và đứng thứ 3 cả nước.
Thanh Hóa tốc độ tăng trưởng GRDP đứng đầu Bắc Trung Bộ và đứng thứ 3 cả nước.

Ngày 24/6, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn chủ trì cuộc họp thường kỳ tháng 6.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024, dù còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều điểm sáng, tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng ước đạt 11,5%, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 3 cả nước.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì đà phát triển ổn định; tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3,4%. Trong đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được mùa; tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2024 đạt 237,7 nghìn ha, sản lượng lương thực ước đạt 893 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ; riêng năng suất lúa ước đạt 67,5 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Lâm nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, an ninh rừng được đảm bảo. Toàn tỉnh trồng được 6.100 ha rừng tập trung, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đã đạt hiệu quả cao.
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đã đạt hiệu quả cao.

Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp tiếp tục được phát triển, đến nay, toàn tỉnh có 1.386 doanh nghiệp, 768 hợp tác xã và 2 liên hiệp hợp tác xã, 995 trang trại, 1.266 tổ hợp tác trong nông nghiệp.

Với phương châm “kiên trì bám trụ, tranh thủ thời cơ”, các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động cơ cấu lại, tối ưu hóa quy trình sản xuất để thích ứng linh hoạt với biến động thị trường.

Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động nên sản xuất công nghiệp vẫn duy trì đà phát triển tốt; tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt 21,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 15,8% so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại nội địa diễn ra sôi động, nguồn cung hàng hóa dồi dào; giá cả hàng hóa ổn định, không có hiện tượng găm hàng, sốt giá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 94.392 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ.

 Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã đón lượng khách rất đông về đây tắm mát, giải nhiệt trong 6 tháng đầu năm. 
 Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã đón lượng khách rất đông về đây tắm mát, giải nhiệt trong 6 tháng đầu năm. 

Hoạt động du lịch khởi sắc ngay từ những tháng đầu năm. Qua thống kê, tổng lượng khách du lịch 6 tháng ước đạt 9.780,6 nghìn lượt, tăng 16,1% so với cùng kỳ, bằng 70,9% kế hoạch (trong đó khách quốc tế ước đạt 261 nghìn lượt, tăng 21,3%); tổng thu du lịch ước đạt 19.848,5 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ, bằng 61,3% kế hoạch.

Cũng theo báo báo, trong 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 27.348 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ, bằng 76,9% dự toán. Trong đó, thu nội địa ước đạt 16.673 tỷ đồng, tăng 36,9% so với cùng kỳ, bằng 75,7% dự toán; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 10.675 tỷ đồng, tăng 19,7%, bằng 78,8% dự toán.

Huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 65.885 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ, bằng 48,8% kế hoạch. Toàn tỉnh đã thu hút được 59 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 12 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 10.905 tỷ đồng và 177,5 triệu USD; tăng 78,8% về số dự án và tăng 25,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng, sự ổn định và sức hấp dẫn môi trường đầu tư của tỉnh.

Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được và hướng tới hoàn thành mục tiêu của cả năm, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành chức năng, các địa phương, đơn vị liên quan phải tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công các dự án lớn trên địa bàn tỉnh, như Trung tâm thương mại Aeon Thanh Hóa; Nhà máy hóa chất Đức Giang; Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa...; tiếp tục hoàn thiện một số quy hoạch trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ông Đỗ Minh Tuấn cũng lưu ý ngành chức năng chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc tuyển dụng lao động của một số công ty, doanh nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh trong những tháng cuối năm 2024.