Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thanh lọc thị trường thực phẩm chức năng

Trần Nga thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/11, Bộ Y tế phối hợp với Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế về thực phẩm chức năng (TPCN) lần thứ 2. Chia sẻ về vấn đề quản lý TPCN, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết, với việc siết chặt quản lý bằng GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt), chỉ lo thiếu TPCN chất lượng tốt chứ không lo thiếu TPCN.

 Tư vấn sử dụng thực phẩm chức năng cho khách hàng. Ảnh: Hà Ngân
Liên tiếp thời gian gần đây, Cục ATTP đã đăng tải danh sách các công ty sản xuất TPCN vi phạm ATTP. Đây có phải là hệ lụy của việc các sản phẩm TPCN phát triển quá nhanh như hiện nay không, thưa ông?
- Thực tế, nhu cầu sử dụng TPCN của người dân hiện nay ngày càng gia tăng. Ở Việt Nam, nếu năm 2000 mới có 13 cơ sở sản xuất - kinh doanh 63 sản phẩm TPCN thì đến năm 2013 đã có 3.512 cơ sở với 6.851 sản phẩm TPCN lưu hành. Đến nay, số cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN đã lên tới hơn 4.000 cơ sở. Bất kỳ TPCN nào khi đã công bố và được phép lưu thông trên thị trường là đảm bảo chất lượng, trừ sản phẩm bị làm giả. Do nhu cầu lớn nên không ít DN sản xuất vì lợi nhuận đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng cố tình sản xuất TPCN không đúng với tiêu chuẩn được công bố. Bên cạnh đó, một số DN nhỏ không đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền sản xuất nên sản phẩm làm ra cũng bị hạn chế về chất lượng. Mặt khác, nhiều DN cố tình “thổi phồng” tác dụng của TPCN như thuốc chữa bệnh, quảng cáo TPCN mà không đăng ký, không công bố với cơ quan chức năng... Từ quá trình thanh, kiểm tra cũng như thông tin báo chí phản ánh, Cục ATTP đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm.

Việc xử phạt các cơ sở vi phạm quảng cáo TPCN trên các trang web, mạng xã hội đã được Cục ATTP đẩy mạnh song vẫn còn rất nhiều công ty vi phạm. Thậm chí, nhiều trang web quảng cáo sai phạm đã bị xử phạt, yêu cầu gỡ nội dung nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo. Phải chăng chế tài chưa đủ mạnh?
 
- Đúng là thực trạng này vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Không chỉ quảng cáo qua mạng, website, nhiều công ty, cá nhân còn tổ chức tư vấn sản phẩm TPCN qua điện thoại. Trên thì họ ghi là dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh, kiểm tra nhiều người không có kiến thức gì về y khoa. Riêng về quảng cáo, chúng tôi đã phối hợp với Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ TT&TT để công khai thông tin về các sản phẩm vi phạm, các trang web quảng cáo sản phẩm sai phạm, đồng thời thanh, kiểm tra, xử lý rất nhiều vụ việc. Tuy nhiên, nhiều DN bị phát hiện vi phạm quảng cáo TPCN nhưng khi mời lên làm việc, họ không thừa nhận mình có quảng cáo sản phẩm trên các trang web hoặc chối rằng website, mạng xã hội bị phát hiện sai phạm không phải là của công ty mình... Việc quản lý các website, mạng xã hội không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế nên Cục ATTP chỉ có thể đôn đốc, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, yêu cầu các DN, website quảng cáo TPCN sai phạm phải gỡ bỏ nội dung quảng cáo không đúng…

Theo quy định của Chính phủ, từ 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất TPCN phải đạt tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt). Quy định này có tác dụng như thế nào trong việc thanh lọc thị trường TPCN ?

- Những cơ sở muốn đạt GMP phải đầu tư rất lớn từ cơ sở vật chất, nhà xưởng, hệ thống thông khí đến hệ thống bảo vệ phải cách biệt với môi trường ô nhiễm… Bên cạnh đó, người chủ DN hoặc cán bộ phụ trách sản xuất đạt GMP tối thiểu phải có bằng đại học trong lĩnh vực chuyên ngành. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất phải đáp ứng chặt các quy định chặt chẽ về hệ thống hồ sơ sổ sách, nhất là kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào, đạt yêu cầu về hệ thống kiểm nghiệm. Nếu chúng ta áp dụng đúng theo các tiêu chuẩn GMP thì ước tính số lượng cơ sở đủ điều kiện chỉ vào khoảng trên dưới 300 cơ sở trên tổng số khoảng 4.000 cơ sở trong cả nước. Hiện nay, Cục ATTP đã cấp cho khoảng 10 DN chứng nhận tiêu chuẩn GMP, một số DN đã gửi hồ sơ lên. Sau 1/7/2019, những cơ sở không đạt tiêu chuẩn GMP, không được cấp chứng nhận GMP thì sẽ không được phép tiếp tục sản xuất. Tôi tin chắc đây sẽ là một bước để loại trừ những cơ sở sản xuất không đảm bảo ATTP ra khỏi thị trường TPCN...

Vậy việc áp dụng GMP có mở rộng thêm cơ hội cho việc xuất khẩu TPCN của Việt Nam ra thị trường nước ngoài?

- Hiện nay, một số DN của Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu TPCN sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan và một số nước Trung Đông, tuy nhiên sản lượng xuất khẩu còn ít. Trong khi đó, Việt Nam đang có một nền dược liệu đa dạng và phong phú, nhiều loại dược liệu quý hiếm. Đây cũng chính là nguồn nguyên liệu lớn cho sản xuất TPCN. Vì vậy, nếu kết hợp với tiêu chuẩn GMP và những tiềm năng sẵn có, trong tương lai Việt Nam hoàn toàn có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu TPCN sang các nước, thậm chí cả thị trường châu Âu.

Xin cảm ơn ông!

Với nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú, đa dạng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực TPCN, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới chất lượng tốt, chuẩn hóa quy trình sản xuất sản phẩm an toàn, hướng tới xây dựng ngành TPCN bền vững và phát triển tiến bộ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường