Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm đủ cát đắp nền đường vành đai 3

Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tìm cách tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc cung cấp vật liệu xây dựng đối với dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án đường vành đai 3 khoảng 9,3 triệu mét khối, trong đó riêng năm 2024 là 6,5 triệu m3. Trong đó, tính riêng đoạn quan địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 4,7 triệu m3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc

Tuy nhiên, trong quá trình thi công, các nhà thầu đang gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm các nguồn cát đắp nền đường, do các tỉnh ưu tiên cung cấp cát cho các dự án của địa phương và cao tốc Bắc – Nam.

Để giải quyết vấn đề này, tổ công tác bảo đảm vật liệu xây dựng phục vụ dự án đường vành đai 3 của Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã làm việc với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh. Trước mắt, Thành phố Hồ chí Minh kiến nghị các địa phương điều chuyển, chia sẻ một phần khối lượng cát đắp nền tại các mỏ đang khai thác phục vụ các dự án cao tốc khác sang cho dự án đường vành đai 3; rút ngắn thủ tục gia hạn, cấp lại giấy phép khai thác một số mỏ cát.

 Theo tiến độ dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất khối lượng cát đắp nền cụ thể: Trong tháng 4 là 450 nghìn m3; tháng 5 là 330 nghìn m3; tháng 6-8 là 2,3 triệu m3; tháng 9-12 là 3,4 triệu m3.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tại buổi làm việc
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, khẳng định Tiền Giang sẽ đáp ứng cho dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 6,3 triệu m3 (trong năm 2024 là 3,8 triệu m3).

Cùng với đó, ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhận định, dự kiến trong năm 2024, tỉnh Bến Tre sẽ cho phép khai thác 6 mỏ với khoảng 14,9 triệu m3, và có thể cung cấp nhiều hơn cho Thành phố Hồ Chí Minh so với cam kết 850 nghìn m3.

Bên cạnh đó, đại diện UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp cũng báo cáo về phương án điều chuyển khoảng 400 nghìn m3 cát khai thác phục vụ các dự án cao tốc Bắc – Nam cho dự án đường vành đai 3 của Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đã giải đáp, làm rõ một số vấn đề mà các địa phương còn băn khoăn liên quan đến quy trình, thủ tục gia hạn, cấp lại giấy phép khai thác cát, cập nhật số liệu trữ lượng, chất lượng, đánh giá tác động môi trường, quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao báo cáo cụ thể, chi tiết của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về nhu cầu sử dụng cát đắp nền theo các mốc tiến độ của dự án đường vành đai 3.

Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh
Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương khẩn trương rà soát về khả năng cung ứng cát theo mốc tiến độ các dự án cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, theo từng tháng, từng quý; từ đó đề xuất phương án nâng công suất khai thác, bổ sung các mỏ mới để đáp ứng được yêu cầu tiến độ.

"Các địa phương cần chủ động xử lý vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, không để chậm trễ trong gia hạn, cấp lại giấy phép khai thác, tạo thuận lợi cho hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp", Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng yêu cầu lập tổ công tác liên ngành, do lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường làm tổ trưởng, phối hợp với các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng… để vận dụng các cơ chế gia hạn, cấp lại giấy phép, nâng công suất khai thác mỏ cát phục vụ dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh theo cơ chế đặc thù đã được Quốc hội cho phép, "lựa chọn, áp dụng đúng chính sách, bảo đảm an toàn môi trường, chất lượng cát khai thác…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng chỉ đạo các bộ Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương… theo lĩnh vực quản lý phải sớm công bố kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp; hướng dẫn các địa phương chuẩn bị quy trình thủ tục về cấp phép, định mức, đơn giá khai thác cát biển; hoàn thiện quy định sử dụng nguồn vật liệu từ các dự án nạo vét luồng lạch để làm vật liệu san lấp; xây dựng phương án nhập khẩu vật liệu xây dựng…

Dự án vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài là 92 km (nếu trừ đi 15,3km trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã hình thành thì chiều dài toàn tuyến là 76,34km). Dự án đi qua các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là đường vành đai cao tốc đô thị, lòng đường bao gồm 4 làn xe cơ giới cùng với hai làn hỗn hợp hai bên, với vận tốc tối đa cho phép là 100 km/h. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Về tiến độ, dự án sẽ được khởi công trong tháng 6 năm 2023, tiến tới thông xe vào năm 2025 và hoàn thiện toàn bộ vào năm 2026.