Thành phố tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn vượt khó, góp phần quan trọng thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của Hà Nội trong năm 2012 là nội dung chính của cuộc gặp đầu xuân Nhâm Thìn 2012 giữa UBND TP Hà Nội và cộng đồng DN Thủ đô chiều 15/2.

Khó trăm bề

Đây là cảm nhận của phần lớn các DN về năm kinh tế 2012. Theo ông Hoàng Văn Tại, Tổng Giám đốc Công ty CP phân lân nung chảy Văn Điển, để giải quyết bài toán đầu ra cho DN, nỗ lực vượt khó của DN thôi chưa đủ mà rất cần sự hỗ trợ từ Thành phố. Bộ Chính trị đã phát động phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" vậy nên chăng Thành phố cũng có một phong trào "Người Hà Nội ưu tiên dùng hàng Thủ đô". "Chúng tôi mong Thành phố có cơ chế chuyển phần ưu đãi dành cho DN thành ưu đãi cho nông dân khi sử dụng sản phẩm phân bón của Văn Điển", ông Tại bày tỏ và cho rằng, đây là biện pháp "lợi đôi đường" cho cả DN và người nông dân.

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, ông Phan Minh Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư & Phát triển nông nghiệp Hà Nội trăn trở với thực tế nhiều dự án nông nghiệp rất khó tiếp cận vốn dù chủ trương là ưu tiên cho nông nghiệp. Một số dự án về hoa, về giết mổ gia súc, gia cầm của công ty hiện vẫn "tắc" vì thiếu vốn. "Ngân hàng Nhà nước mới đưa ra trần huy động nhưng trần cho vay lại thả lỏng, đáng lẽ phải khóa trần cho vay thì người vay mới không phải chịu lãi suất cao" - ông Nguyệt nói. Ngoài ra, với những dự án đã được Thành phố duyệt cho vay ưu đãi cần có cơ chế giải ngân cụ thể, để DN có thể dễ dàng tiếp cận.

 Tại cuộc gặp, các DN trong lĩnh vực bất động sản cũng "đồng thanh" than thở về nguy cơ phá sản khi đến thời gian đáo hạn ngân hàng mà dự án vẫn không bán được dù đã hạ giá rất thấp. Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội DN Trẻ TP Hà Nội, kiến nghị Thành phố tăng cường cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Theo ghi nhận của Hiệp hội này, hiện có khoảng 10 DN đang đầu tư xây dựng đã có quy hoạch phê duyệt tỷ lệ 1/500 nhưng không được triển khai vì những dự án này chưa có giấy phép xây dựng. Theo quy định thì trên một mảnh đất phải xây dựng 2 tòa nhà trở lên mới được miễn giấy phép. Ông Quân cho rằng, Thành phố cần có hướng dẫn chi tiết về việc cấp giấy phép xây dựng, loại bỏ thủ tục gây phiền hà cho DN…

Cán bộ không được thờ ơ với doanh nghiệp

Tiếp thu các ý kiến từ DN, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, Thành phố sẽ có biện pháp cụ thể hỗ trợ đầu ra, kích cầu cho các sản phẩm chủ lực của DN Hà Nội, đồng thời tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại. Sắp tới, Thành phố sẽ chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Kế hoạch & Đầu tư… cùng DN ra nước ngoài tìm kiếm mở rộng thị trường. Thành phố cũng chủ trương tổ chức gặp gỡ giữa lãnh đạo UBNDTP và DN trên địa bàn định kỳ 6 tháng/lần để ghi nhận các đề xuất, kiến nghị, góp ý của DN về cơ chế, chính sách liên quan tới DN.

Thành phố tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp - Ảnh 1

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội chiều 15/2. Ảnh: Hoài Nam

Về cải cách thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng nhấn mạnh: "Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói: DN là hầu bao của Chính phủ. Vậy nên đề nghị các sở, ngành phải quan tâm hỗ trợ DN bằng cách rà soát lại cán bộ và kiên quyết loại bỏ thủ tục hành chính gây phiền hà cho DN. Cán bộ mà thờ ơ, lãnh cảm với DN thì khó sẽ càng khó hơn".

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho các DN trên địa bàn. Chủ tịch UBNDTP chia sẽ: "Chúng ta ưu tiên kiềm chế lạm phát, nhưng không có nghĩa là thắt chặt tiền tệ mà là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ để vẫn duy trì tăng trưởng. Nhưng kinh tế chỉ tăng trưởng khi DN tăng trưởng". Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng cho biết, Thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ mở rộng chính sách hỗ trợ vay vốn, đồng hành cùng các DN trong mọi thời điểm khó khăn.

Phát biểu của lãnh đạo Thành phố đã giúp các DN vững tin hơn trước những khó khăn thách thức được dự báo là còn căng thẳng hơn năm trước. Có sự quyết tâm từ cả hai phía là Thành phố và DN, mục tiêu tăng tổng sản phẩm nội vùng 10 - 10,5% trong năm 2012 có thể nói là hoàn toàn khả thi.

Một số chỉ tiêu của Hà Nội trong năm 2012: Tổng sản phẩm nội vùng tăng 10 - 10,5%; Tổng vốn đầu tư xã hội tăng 15 - 17%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; Tổng lượt khách du lịch đạt 14,9 triệu lượt người; Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 100%.