Cần “cái gậy” để thống nhất quản lý
Theo đại diện UBND quận Thanh Xuân, tại quận có 89 nhà chung cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó 67 nhà thương mại và 2 khu tái định cư (TĐC) với 22 tòa nhà. Đối với chung cư thương mại, đã có 54 tòa được UBND quận quyết định công nhận ban quản trị (BQT), 2 tòa tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu nhưng không thành công, 8 tòa chưa tổ chức; với nhà TĐC, đã có 13 tòa thành lập BQT và được UBND quận quyết định công nhận, 9 tòa tổ chức hội nghị chung cư lần đầu nhưng không thành công.
Với thực tế như vậy, công tác này tại quận đang gặp một số khó khăn. Nhất là, trong việc thành lập BQT, Công ty TNHH MTV Quản lý phát triển nhà Hà Nội (đơn vị được UBND TP giao quản lý vận hành các chung cư TĐC trên địa bàn) đến nay đã tổ chức hội nghị nhà chung cư 22 tòa, trong đó 13 tòa đã tổ chức thành công và được UBND quận quyết định công nhận BQT. Các tòa TĐC được nhà nước hỗ trợ công tác quản lý, vận hành (người dân chỉ phải nộp 30.000 đồng/tháng), nên việc thành lập BQT với cơ chế tự chủ khiến người dân sẽ phải đóng nhiều kinh phí hơn, dẫn đến rất khó khăn trong thành lập BQT tại các tòa nhà còn lại.Về bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng (SHCĐ), tại khu X1, X2 phường Hạ Đình gồm 3 tòa nhà đã có phòng SHCĐ; khu N phường Nhân Chính có 19 tòa được bàn giao đưa vào sử dụng từ 2001 - 2006 theo thiết kế được duyệt không có phòng SHCĐ; UBND quận nhận được nhiều kiến nghị của các hộ dân khu N phường Nhân Chính trong việc bố trí thêm phòng SHCĐ; ngày 22/6/2016, đã có văn bản đề xuất Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát phần diện tích thuộc sở hữu nhà nước tại các tòa còn lại trong khu TĐC N phường Nhân Chính và bố trí mỗi nhà chung cư 1 phòng SHCĐ với diện tích 70m2. Tuy nhiên, việc thu hồi diện tích đang cho thuê gặp nhiều khó khăn, nên đến nay chưa bố trí thêm được. Đối với chung cư thương mại, việc tổ chức hội nghị lần đầu là trách nhiệm của chủ đầu tư, song một số chủ đầu tư cũng chưa quan tâm.Bên cạnh đó, theo UBND quận Thanh Xuân, một số tòa đã thành lập BQT nhưng công tác bàn giao hồ sơ từ chủ đầu tư cho BQT còn chậm. Tại một số tòa là chung cư hỗn hợp, việc xác định phần kinh phí bảo trì của khu văn phòng, dịch vụ nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc phân định các phần diện tích, thiết bị sử dụng chung trong nhà chung cư giữa hai bên chưa thống nhất, dẫn đến khó quyết kinh phí bảo trì.Từ đó, lãnh đạo UBND quận kiến nghị Sở Xây dựng chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường phối hợp xử lý với các dự án chung cư thương mại vi phạm trật tự xây dựng (TTXD); xây dựng kế hoạch, biện pháp ngăn chặn ngay từ khi bắt đầu vi phạm để tránh khiếu kiện kéo dài của cư dân, khó cho quản lý của chính quyền. Đồng thời, Sở Xây dựng cần báo cáo UBND TP có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp chưa được nghiệm thu PCCC, chưa được nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng mà chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ cho cư dân vào ở; các trường hợp chây ì trong quyết toán số liệu để bàn giao quỹ bảo trì... UBND quận cũng đề nghị Sở báo cáo UBND TP chỉ đạo công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội tổ chức hội nghị nhà chung cư lần hai các tòa nhà TĐC còn lại tại quận.Đáng chú ý, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Xuân Lưu kiến nghị, đoàn giám sát cần kiến nghị TP có một quy định chung về quản lý nhà chung cư, trong đó quy định rõ vấn đề liên quan đến BQT, kinh phí, trách nhiệm xử lý những tranh chấp xảy ra… "Như vậy, mới mong có nguồn lực, vừa có bộ máy, có một “cái gậy” để các cấp, ngành thống nhất quản lý. Nếu phải đối diện với những tranh chấp khiếu kiện có thể phải ra tòa, không có gậy pháp lý thì sẽ rất khó xử lý”, ông Lưu nhấn mạnh.
Chú trọng tuyên truyền, phát huy trách nhiệm các bênLắng nghe các ý kiến, ghi nhận cố gắng của quận Thanh Xuân trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, đoàn giám sát cũng nhận định, quận còn một số hạn chế, nhất là: Nhiều chung cư chưa được thành lập BQT, hoặc đã thành lập BQT nhưng chưa được bàn giao quỹ bảo trì, chưa lập được hồ sơ để bàn giao quản lý, nhiều chủ hộ chưa được cấp GCN quyền sử dụng đất. Đặc biệt, có 4 tòa xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân, thậm chí giữa BQT với cư dân và nội bộ BQT; nhiều tòa nhà chưa đủ điều kiện, chưa nghiệm thu điều kiện PCCC đã đưa dân vào ở, có PCCC rồi nhưng chưa tốt...“Những tồn tại này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng cần xem xét lại trách nhiệm trước hết của chủ đầu tư, sau là trách nhiệm quản lý địa bàn của chính quyền phường, trách nhiệm đôn đốc kiểm tra của cấp quận và có cả trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn của các sở, ngành, để có thể tìm ra những biện pháp giải quyết trước mắt, lâu dài. Chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến, làm việc với các sở, báo cáo Thành ủy - HĐND - UBND TP để giúp công tác quản lý này tốt hơn”, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân khẳng định.
Ủy viên Ban Đô thị HĐND TP, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu. |