Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy vốn ra nền kinh tế

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dư địa còn lại để mở rộng tăng trưởng tín dụng rất lớn khoảng 6,2% tương đương khoảng 735.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống.

Năng lực doanh nghiệp kém, ngân hàng dư thừa vốn

Tính đến ngày 23/11/2023 dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái mức đã giao cho các Tổ chức tín dụng. Cụ thể, dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn khoảng 6,2% tương đương khoảng 735.000 tỷ đồng để cấp cho nền kinh tế.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về điều hành tăng trưởng tín dụng. Ảnh: VGP
Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về điều hành tăng trưởng tín dụng. Ảnh: VGP

Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu… TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, do hậu quả của dịch Covid-19 trong 2 năm liên tiếp đã khiến các doanh nghiệp vô cùng khó khăn. “Dẫu cho ngành ngân hàng đã đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng với các doanh nghiệp, cụ thể như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, điều chỉnh thời hạn nợ, cho vay ưu đãi … song bản thân doanh nghiệp không còn nguồn lực” - ông Hùng bày tỏ.

Không chỉ những doanh nghiệp không còn nguồn lực, mà ngay cả những doanh nghiệp có đủ điều kiện nhưng cũng không mạnh dạn vay vốn do vướng cơ chế. Ông Nguyễn Kim Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cũng nhìn nhận, có doanh nghiệp đủ điều kiện, sẵn sàng vay vốn nhưng do vướng quy hoạch, dự án chưa được cấp chứng nhận đầu tư nên họ cũng không vay vốn đầu tư.

Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái với NHNN và đại diện các ngân hàng thương mại về điều hành tăng trưởng tín dụng trong thời gian cuối năm 2023. Các ngân hàng cũng cho rằng, về vốn hiện các ngân hàng không thiếu nhưng để bơm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo các chuyên gia kinh tế, làm ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại thì "ai cũng thích cho vay", không cho vay được là "thất nghiệp". Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tất cả các phân khúc khách hàng đều bị ảnh hưởng nên giải ngân tín dụng là bài toán khó.

Cũng có ý kiến đề xuất ngân hàng linh động hơn trong điều kiện cho vay tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Lãnh đạo một ngân hàng cũng bày tỏ, ngân hàng có thể chia sẻ, tháo gỡ khó khăn bằng các cơ chế chính sách nhưng không thể hạ chuẩn điều kiện cho vay. Mọi điều kiện, nguyên tắc, thủ tục cho vay phải theo đúng quy định. Nếu không lại đẩy rủi ro về tương lai, gánh nặng nợ xấu phát sinh lên vai ngân hàng rất lớn.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ, chưa bao giờ điều hành tín dụng lại khó khăn như thời gian qua. Về phía ngành Ngân hàng đang phải giải quyết các vấn đề tồn đọng như vụ việc tại SCB, 3 ngân hàng 0 đồng vẫn đang tiếp tục xử lý. Năm 2023 thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn… Chính vì vậy, tất cả đổ dồn lên thị trường tiền tệ, tín dụng. Trước thực tế này, NHNN cũng mong muốn gánh vác khó khăn của nền kinh tế thông qua việc thực hiện tối đa trách nhiệm. Điều này minh chứng trong thời gian qua, ngành Ngân hàng triển khai rất nghiêm túc các Nghị quyết, Công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Việc điều hành chính sách như đi trên dây, một mặt làm sao có đủ vốn với lãi suất hợp lý hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng thị trường bất động sản một mặt làm sao duy trì an toàn. NHNN nhận thấy trách nhiệm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhưng song hành với nó an toàn hệ thống là câu chuyện quan trọng không kém. Đây là trăn trở của NHNN làm sao làm tốt hai nhiệm vụ này.

Linh hoạt room, sẵn sàng giải ngân khi đủ điều kiện

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị trong dịp cuối năm, NHNN cần phân tích, đánh giá cụ thể, chi tiết, đầy đủ tất cả các khía cạnh trong điều hành tín dụng, khả năng hấp thụ vốn, rà soát tất cả các vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ kịp thời nhằm điều hành tốt hơn trong năm tới.

"NHNN cần phải bám sát tình hình thực tế của nền kinh tế và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, rà soát, "xem lại" các quy định để điều chỉnh, nhằm điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt hơn nữa" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

NHNN bổ sung hạn mức cho các ngân hàng tập trung tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay. Ảnh minh hoạ
NHNN bổ sung hạn mức cho các ngân hàng tập trung tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay. Ảnh minh hoạ

Chia sẻ quan điểm "không thể vỗ tay bằng một bàn tay" của đại diện một ngân hàng thương mại nêu trong cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho rằng "nếu 2 bàn tay mà không vỗ trúng vào nhau thì cũng không thể thành tiếng", do đó ông đề nghị NHNN và các ngân hàng cần phải chủ động hơn nữa, sẵn sàng hơn nữa để giải ngân vốn kịp thời khi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu và đảm bảo điều kiện. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương căn cứ vào các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là các vấn đề liên quan đến kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thị trường bất động sản, đẩy mạnh đầu tư công… Đồng thời cùng với NHNN và hệ thống ngân hàng thương mại nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt mục tiêu vừa bảo đảm bơm vốn cho nền kinh tế vừa giữ an toàn hệ thống tín dụng, tạo đà cho sự phát triển tốt hơn trong năm 2024.

Hiện, mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng không đồng đều, một số tăng trưởng khá cao, một số tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Do đó, để kịp thời linh hoạt điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các đơn vị cần được tiếp tục mở rộng tăng trưởng tín dụng.

Cụ thể, bổ sung hạn mức tăng thêm cho các ngân hàng dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những nhà băng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt từ 80% chỉ tiêu tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.

 “Lần điều chỉnh này dứt khoát không có chuyện ngân hàng phải xin room tín dụng. Năm 2024, NHNN sẽ xây dựng cơ chế phân bổ hạn mức tín dụng một cách hợp lý nhất, trên cơ sở tính toán xác định lượng tiền cần thiết bơm ra, lượng tín dụng cần tăng bao nhiêu đảm bảo được kiểm soát lạm phát, an toàn của các tổ chức tín dụng… NHNN sẽ chủ động triển khai từ đầu năm và sẽ giám sát theo dõi thường xuyên. Nếu ngân hàng nào chạm trần tín dụng nhưng xu thế có thể cho vay ra thêm được mà vẫn đảm bảo an toàn hoạt động NHNN lập tức “mở” tín dụng” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.

Đồng thời, NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng cấp tín dụng an toàn, lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn, cũng như cân đối đủ nguồn vốn để cấp tín dụng; tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và tích cực giảm lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, vừa đảm bảo tuân thủ quy định, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Trong tháng cuối năm, NHNN tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cấp tín dụng cho nền kinh tế, bên cạnh mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở một số lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, cũng phải đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, đúng quy định của pháp luật.