Tiền gửi ùn ùn tăng, vốn ứ đọng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vốn ứ đọng, các chuyên gia cũng lo ngại về việc doanh nghiệp không thể hấp thụ vốn dù lãi suất đã giảm. Do đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần điều phối tăng trưởng tín dụng khơi thông vốn ngân hàng, hạ lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay vốn.

Tiền gửi vào ngân hàng kỷ lục

Theo thống kê mới nhất của NHNN, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9 đạt hơn 6,449 triệu tỷ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022. Đây là tháng thứ 13 tiền gửi của người dân "chảy" vào ngân hàng.

Tiền gửi tăng cao trong khi cho vay ra vẫn thấp. Ảnh minh hoạ
Tiền gửi tăng cao trong khi cho vay ra vẫn thấp. Ảnh minh hoạ

So với cuối tháng 8, tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng thêm 15.935 tỷ đồng. Còn so với cuối năm 2022, tiến gửi tăng thêm hơn nửa triệu tỷ đồng, với 583.494 tỷ đồng, tương đương 9,95%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2018.

Không chỉ tiền gửi dân cư, tiền gửi của tổ chức kinh tế cũng tăng đột biến, lượng tiền đạt hơn 6,23 triệu tỷ đồng, tăng tới 217.353 tỷ đồng so với cuối tháng 8. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã duy trì được trạng thái dư thừa trong suốt những tháng qua.

Theo TS Cấn Văn Lực, điều này nói lên rằng lãi suất dù giảm nhưng vẫn còn tương đối tốt với mức 5%/năm kỳ hạn 12 tháng. Bên cạnh đó, những kênh đầu tư khác vẫn còn nhiều khó khăn.

Còn theo PGS.TS Phạm Thế Anh, tăng trưởng tín dụng thấp là lăng kính phản ánh quá trình hấp thụ vốn, phục hồi của nền kinh tế và mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho cả năm... Các ngân hàng trở nên thừa tiền trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ảm đạm, đơn hàng xuất khẩu, tiêu dùng chậm lại.

Trong khi đó, lãi suất huy động vẫn đang giảm mạnh. Lãi suất vay mượn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng cập nhật đến ngày 16/11/2023 chỉ còn 0,21%/năm, kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần lần lượt là 0,33% và 0,52%, đều giảm mạnh so với đầu năm.

Cùng kỳ năm ngoái, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng thường xuyên duy trì quanh mức 4-5%/năm, thậm chí có thời điểm lên đến 6-7%.

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng, hầu hết các ngân hàng đã hạ xuống xa mức trần theo quy định là 4,75%.

Khơi thông, giảm thủ tục vay vốn

Theo NHNN, đến gần cuối 11, tăng trưởng tín dụng mới đạt 8,09%, tức vẫn còn khoảng 6 - 7% vốn tín dụng toàn ngành, tương đương 6.00.000 - 700.000 tỷ đồng cần được giải ngân từ nay đến cuối năm. Như vậy, dư địa để tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng đang khá dồi dào.

Trong công điện mới đây gửi NHNN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan này rút kinh nghiệm việc điều hành tăng trưởng tín dụng chậm năm 2022, khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực.

Trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành tăng trưởng tín dụng, theo nội dung tại công điện.

Ngay sau khi Thủ tướng có công điện về điều hành tín dụng những tháng cuối năm, cộng đồng doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại đã đánh giá tích cực. Nếu được khai thông sẽ hoàn toàn đảm bảo nhu về vốn với lãi suất hợp lý cho người dân, các doanh nghiệp và nền kinh tế trong những tháng cuối năm một cách thông suốt, hiệu quả.

Các chuyên gia cũng lo ngại về việc doanh nghiệp không thể hấp thụ vốn dù lãi suất đã giảm. Các chuyên gia cho rằng, NHNN đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay và cân nhắc nới lỏng điều kiện vay, tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng, đồng thời, kiểm soát tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.