Ảnh minh họa |
Nợ nước ngoài của quốc gia là tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài của DN, tổ chức khác vay theo phương thức tự vay, tự trả. Vì thế mà dù nợ nước ngoài của quốc gia nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép (chưa vượt 50% GDP), nhưng nợ nước ngoài trung hạn và dài hạn của DN tự vay, tự trả cộng với nợ ngắn hạn của DN và tổ chức tín dụng gia tăng sẽ là nguy cơ tiềm ẩn nợ nước ngoài của quốc gia, đe dọa tới an toàn nợ công.
Theo quy định của Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế, sự an toàn của nợ công được đánh giá dựa trên một số chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, quan trọng nhất là quy mô nợ công/GDP và khả năng trả nợ. Nợ nước ngoài tự vay tự trả của DN đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, chủ yếu theo hình thức phát hành trái phiếu. Đến hết tháng 6, quy mô thị trường trái phiếu DN có mức vốn hóa bằng 10,22% GDP, vượt mục tiêu 7% GDP vào năm 2020. Thậm chí, lãi suất một số đợt phát hành cao từ 13 - 14%, cá biệt có DN bất động sản phát hành tới 14 - 15% cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác.
Vì lẽ đó, nếu không kiểm soát tốt việc phát hành loại hình trái phiếu này sẽ có rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô. Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nợ công, Chính phủ đã hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới. Không bảo lãnh cho DN để vay vốn nước ngoài và không sử dụng nguồn Chính phủ vay về để cho DN vay lại. Không sử dụng ngân sách để cơ cấu lại DN nhà nước, xử lý nợ xấu của ngân hàng và cấp vốn điều lệ cho các tổ chức tín dụng thương mại… song “lỗ hổng” dẫn đến nợ quốc gia “phình to” có thể đến từ các khoản nợ tự vay, tự trả của DN. Phát hành trái phiếu DN là "kênh cung vốn trung, dài hạn cho DN, giảm bớt áp lực cho vay của các ngân hàng thương mại nhưng ngược lại nguyên tắc quản lý vốn chặt chẽ có thể bị phá vỡ, trở thành mối nguy cơ rủi ro tới tính bền vững của nợ công.
Dù là tự chịu trách nhiệm, DN hay ngân hàng khi vay nước ngoài trung và dài hạn đều phải thực hiện việc đăng ký khoản vay và báo cáo định kỳ tình hình rút vốn và trả nợ với Ngân hàng Nhà nước. Mọi hoạt động rút vốn và trả nợ đều phải thực hiện qua một tài khoản vốn chuyên dùng để thống nhất quản lý. DN hay ngân hàng vay bao nhiêu cũng phải phù hợp với tổng hạn mức vay vốn nước ngoài hằng năm của cả quốc gia. Nhiều nước châu Âu vướng vào khủng hoảng nợ công không phải vì Chính phủ vay nợ quá nhiều, mà xuất phát từ hoạt động vay nợ của các cá nhân, DN. Đây có thể là kinh nghiệm đáng tham khảo cho Việt Nam.