KTĐT - Cha ông ta có câu "Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy", tức là chuyện đến thăm, chúc mừng thầy đã có từ lâu đời. Việc thăm hỏi không đặt vật chất mà thể hiện sự kính trọng, tình cảm giữa thầy và gia đình học sinh. Chỉ khác là trước kia vào dịp Tết âm lịch, khi có ngày Nhà giáo Việt Nam gần 30 năm nay, ta chuyển ngày "mùng 3" đó sang ngày 20/11.
Một tấm ký họa ngộ nghĩnh, tấm thiệp với lời đề tặng ấn tượng, hay chỉ một tin nhắn quan tâm của trò cũ... cũng làm nhiều giáo viên rưng rưng trong ngày 20/11.
Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): Quà không nên nặng giá trị vật chất.
Thầy Văn Như Cương. Ảnh: P.V. |
Cha ông ta có câu "Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy", tức là chuyện đến thăm, chúc mừng thầy đã có từ lâu đời. Việc thăm hỏi không đặt vật chất mà thể hiện sự kính trọng, tình cảm giữa thầy và gia đình học sinh. Chỉ khác là trước kia vào dịp Tết âm lịch, khi có ngày Nhà giáo Việt Nam gần 30 năm nay, ta chuyển ngày "mùng 3" đó sang ngày 20/11.
Đến ngày này, phụ huynh, học sinh nếu mang tặng thầy cô những bó hoa, món quà nhỏ - không nặng giá trị vật chất hoặc những tấm thiệp; trên bàn thầy cô ở lớp có hoa tươi, như thế là rất tốt, thể hiện đúng truyền thống và văn hóa của dân tộc ta.
Tôi nhớ cách đây hơn 5 năm, phụ huynh và một em học sinh đã ra trường đến thăm tôi, tặng tôi một bức tượng rất thú vị làm từ gốc tre. Vị phụ huynh này kể, gia đình vào đi Hội An, thấy có tượng tre rất giống tôi đã nhớ đến thầy mua tặng thầy. Tôi rất thích món quà này luôn treo trang trọng ở phòng khách.
Cô Đỗ Thị Quỳnh Mai - giảng viên khoa Hóa học (ĐH Sư phạm Hà Nội): Quan trọng nhất là cách tặng quà.
Cô giáo Đỗ Thị Quỳnh Mai. Ảnh: Tiến Dũng. |
Có thầy cô nhìn vào quà tặng để làm công việc của mình thì cũng có những phụ huynh đáp ứng. Điều đó tôi không phủ nhận. Tiêu cực này xảy ra ở bất kỳ ngành nào chứ không chỉ riêng ngành giáo dục.
Sau 4 năm đi dạy, số sinh viên không nhiều nhưng ngày 20/11 tôi cảm thấy rất vui khi sinh viên đến chơi và tặng hoa. Tôi quan niệm, cả năm không thể trông chờ vào quà 20/11 để sống, vậy nên không cần quan tâm đến điều đó. Điều quan trọng nhất chính là cách tặng quà. Nếu trò tặng một bông hoa nhưng với sự trân trọng và kèm theo những câu chúc hay thì tốt hơn nhiều bó hoa trị giá vài trăm nghìn nhưng được đưa theo kiểu "tặng cho xong việc".
Niềm vui nữa đối với thầy cô trong ngày 20/11 là gặp lại học trò cũ. Học trò đang học đến thăm là điều đương nhiên bởi các em coi đây là những người còn tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ mình. Còn những người đã ra trường, không lệ thuộc gì vào mình mà vẫn quay lại, vẫn nhớ tới thầy cô thì mới là điều đáng quý. Cái người ta nhớ đến mình chính là tình cảm đọng lại.
Nghề giáo có một niềm vui hơn nhiều nghề khác đó là có một ngày cả nước cùng nhớ đến. Cảm động vô cùng khi một học trò cũ mang bó hoa đến tặng. Có những học sinh, dù đã ra trường nhưng ngày 8/3 hay 20/10 vẫn nhắn tin chúc mừng. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì nó hơn tất cả những món quà khác mà tôi nhận được. Điều này cũng chứng tỏ thầy cô có chút công lao nào đó trong sự trưởng thành của học trò. Tôi nghĩ, tình cảm thầy trò là thứ không tiền nào mua nổi bởi cái khó nhất là làm cho học trò nhớ đến mình.
Thêm một chiếc phong bì thì tôi cũng không giàu lên hay nghèo đi. Phụ huynh và học sinh đến chơi đã là quý vì người ta đã hơn người khác ở chỗ đã cất công đến thăm mình. Còn cách tặng quà, nếu thấy không phù hợp tôi có thể từ chối. Mỗi người có cách xử sự khác nhau trước vấn đề này, và tôi không bình luận về điều đó.
Tình cảm cô trò sẽ vẫn mãi là điều thiêng liêng nhất. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Cô Nguyễn Thị Minh Hiếu, Hiệu trưởng Tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Gò Vấp, TP HCM): Có những phụ huynh muốn con mình được cô để ý nhiều hơn.
Ngày nay các phụ huynh thường thay lời cảm ơn giáo viên bằng việc gửi cho cô một hai trăm nghìn vào ngày lễ. Có những người thực sự muốn cảm ơn các cô với tấm lòng chân thành, nhưng cũng có những phụ huynh muốn con mình được cô để ý nhiều hơn.
Làm nghề giáo không có gì mong mỏi hơn là các em học giỏi và biết vâng lời. Giáo viên đang phải chịu rất nhiều sức ép. Công việc của giáo viên cũng khá vất vả, các cô xứng đáng được nhận những điều nhiều hơn thế, tuy nhiên điều đó phụ thuộc vào ý thức và cách ứng xử của phụ huynh.
Nếu phụ huynh chỉ có suy nghĩ đền đáp công ơn của các cô bằng việc gửi tặng một vài trăm nghìn thì điều đó chỉ vô tình xúc phạm đến danh dự của người làm nghề giáo. Ở những môi trường giáo dục khác thế nào tôi rõ, nhưng là một trường mà điều kiện phụ huynh còn nhiều khó khăn, chúng tôi chưa bao giờ phải khó xử với những món quà mà phụ huynh đem tặng.
Là giáo viên và cũng là phụ huynh, tôi nghĩ không có gì cao quý bằng sự quan tâm đến các thầy cô một cách chân thành.
Cô Lê Phương - giáo viên THCS ở quận Tân Bình, TP HCM: Tôi không thể quên bức tranh của học trò cũ.
Trong thời gian làm nghề giáo, tôi nhận được khá nhiều món quà của học sinh và phụ huynh. Cũng có những món quà đáng yêu và cũng có những món quà làm tôi phải suy nghĩ. Có những lần tôi gọi phụ huynh đến để thông báo về tình hình học tập của học sinh và nhắc nhở phụ huynh cần quan tâm hơn đến con. Nhưng phụ huynh lại mang theo một phong bì tiền khiến tôi cảm thấy bị xúc phạm. Lúc đó, tôi rất buồn nhưng cũng bình tĩnh nói với phụ huynh và từ chối một cách nhẹ nhàng.
Bên cạnh đó, nhiều tấm lòng của học sinh và phụ huynh cũng khiến tôi xúc động. Một món quà mà đã nhiều năm rồi tôi không thể quên được là bức tranh của một học trò vẽ tôi với những đường nét rất ngộ nghĩnh. Tôi đem ép lại và lưu giữ trong tủ suốt mấy năm nay.
Cũng có lần các em rủ nhau cắm một giỏ hoa rất đẹp và bên trong là tấm thiệp với những dòng chữ "cô là thần tượng của chúng em". Nhận được món quà này, tôi rưng rưng nước mắt, hay những lúc học trò cũ gặp lại tôi và nói "bây giờ em mới thấy không ai bằng cô". Đó thực sự là những món quà tôi cảm thấy quý giá nhất.