Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới bất an vì nguy cơ khủng bố

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ đánh bom ở TP Manchester (Anh) hôm 22/5 khiến ít nhất 81 người thương vong và vụ đánh bom liều chết tại TP Jakarta (Indonesia) khiến 15 người thương vong hôm 24/5 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cả thế giới về nguy cơ tấn công khủng bố.

  Lực lượng cảnh sát và người dân đặt vòng hoa tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom ở TP Manchester, Anh. 

Hai vụ đánh bom liều chết diễn ra tối 24/5 tại nhà ga Kampung Malayu, Jakarta đã khiến ít nhất 3 cảnh sát, 2 đối tượng tình nghi thiệt mạng và 10 người khác bị thương. Người phát ngôn của lực lượng Cảnh sát quốc gia Indonesia khẳng định, 2 đối tượng tình nghi trong vụ việc trên nằm trong danh sách bị truy nã và có liên quan tới một mạng lưới khủng bố ở tỉnh Tây Java. Dù chưa thể xác định vụ việc trên có liên quan tới lực lượng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay không, song đây cũng là dấu hiệu cho thấy, IS đã thay đổi chiến lược bằng việc lôi kéo, gieo rắc tư tưởng cực đoan với nhiều hình thức tại các nước khu vực Đông Nam Á. Đây có thể được xem là một trong những chiến lược mới của IS, nhằm xây dựng vương quốc khác sau khi chiến trường tại Trung Đông “thất thủ”.

Bên cạnh các nước khu vực Đông Nam Á, châu Âu đã và đang trở thành mục tiêu chính của lực lượng khủng bố Hồi giáo. Nguy cơ về khủng bố cũng khiến các nhà lãnh đạo của “Lục địa già” phải đau đầu, bởi chúng đã thay đổi phương thức hành động với những “con sói đơn độc” – một hình thức đỡ tốn kém cả về mặt vật chất và con người. Tại nước Anh mới đây, Thủ tướng Theresa May đã ra thông báo nâng mức báo động lên cấp cao nhất cũng như tăng cường an ninh, lực lượng quân đội, nhất là sau vụ đánh bom khủng bố hôm 22/5 tại Manchester khiến 81 người thương vong. Vụ việc xảy ra chỉ cách 2 tháng sau vụ Khalid Masood - một phần tử cực đoan Hồi giáo dùng xe đâm vào dòng người trên cầu Westminster trước nhà Quốc hội Anh tại trung tâm Thủ đô London (ngày 22/3).

Các cuộc tấn công cũng gióng tiếp một hồi chuông cảnh báo nguy cơ khủng bố, buộc một loạt các nước châu Âu và thế giới phải rà soát lại và củng cố hệ thống an ninh của mình cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Trong thời điểm căng thẳng hiện nay, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ngày 25/5 (giờ địa phương) tại Brussels (Bỉ), Đại sứ của toàn bộ 28 quốc gia thành viên NATO tìm được tiếng nói chung về khả năng tham gia liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu. Giới chức Pháp và Đức - 2 nước vốn dè dặt trước đề xuất này đã đồng ý ủng hộ kế hoạch, dù tin rằng sự tham gia của NATO chỉ nên mang tính biểu tượng. Ngoài ra, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ hối thúc NATO hành động nhiều hơn trong cuộc chiến chống khủng bố và cần vận dụng kinh nghiệm cùng các công cụ để ngăn chặn các vụ tấn công như đã xảy ra ở TP Manchester.

Việc khối quân sự NATO trở thành một phần trong chiến dịch có thể tạo nên bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq và Syria. Lực lượng NATO có thể đóng góp trang thiết bị, hỗ trợ huấn luyện và trao đổi kinh nghiệm mà liên minh này thu được từ sứ mệnh chỉ huy chiến dịch chống al-Qaeda và Taliban tại Afghanistan, nhưng đồng thời cũng châm ngòi cho một cuộc chiến dài hơi và tốn kém tại khu vực Trung Đông.