Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới trong tuần: Mỹ - Trung 'giải lao' giữa thương chiến, Taliban đến Nga tìm cách gỡ bế tắc

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Động thái thiện chí của Mỹ và Trung Quốc; Các đại diện của Taliban tới Moscow sau khi ông Trump tuyên bố hủy đàm phán hòa bình với tổ chức phiến quân này là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Mỹ, Trung Quốc hạ nhiệt căng thẳng thương mại
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho biết, các quan chức Trung Quốc và Mỹ sẽ họp vào tuần tới để thảo luận về các chủ đề liên quan đến thâm hụt thương mại, tiếp cận thị trường và bảo hộ đầu tư.
Vòng đàm phán cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến vào đầu tháng 10.
Theo kế hoạch, các quan chức cấp thứ trưởng của Trung Quốc sẽ tới Washington vào tuần tới để dự vòng thảo luận tiền trạm cho vòng đàm phán cấp cao dự kiến vào đầu tháng 10.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/9 đã đồng ý trì hoãn tăng thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 15/10, thay vì ngày 1/10 như tuyên bố trước đó. Đây được xem là động thái thiện chí của Mỹ trước các vòng đàm phán với Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ miễn áp thuế bổ sung đối với 16 mặt hàng của Mỹ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc rút một số mặt hàng của Mỹ ra khỏi danh sách áp thuế bổ sung mà Bắc Kinh nhằm trả đũa Washington trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.
Kể từ khi diễn ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hồi tháng 7/2018, hai nước liên tiếp áp các gói thuế trả đũa lên hàng hóa của nhau trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau. Những động thái nêu trên của Mỹ và Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể hạ nhiệt.
Taliban tìm Nga cứu hòa đàm với Mỹ
Các đại diện của Taliban tới Moscow ngày 13/9 sau khi Trump tuyên bố hủy đàm phán hòa bình với tổ chức phiến quân này.
Phái đoàn Taliban đến Nga hồi đầu năm nay. Ảnh: AP
Các thành viên trong phái đoàn Taliban đã gặp Zamir Kabulov, đặc phái viên về Afghanistan của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga cho hay cuộc họp tại Moscow cho thấy Taliban đã sẵn sàng nối lại đàm phán với Mỹ.
Đây được xem là chuyến thăm quốc tế đầu tiên của đại diện Taliban kể từ kế hoạch hòa đàm với Washington đổ vỡ. Các thành viên Taliban và chính phủ Afghanistan đã đến Moscow hai lần trong năm nay.
Mỹ và Taliban hồi đầu tuần trước thống nhất dự thảo thỏa thuận hòa bình, trong đó Washington sẽ rút hàng nghìn binh sĩ khỏi Afghanistan trong những tháng tới. Đổi lại, phiến quân Taliban cam kết không biến quốc gia này thành căn cứ cho các hoạt động tấn công Mỹ và đồng minh.
Tuy nhiên, ông Trump sau đó tuyên bố hủy hòa đàm với phiến quân theo lịch trình tại Trại David của Mỹ, sau cuộc tấn công của Taliban ở Kabul làm 12 người thiệt mạng, trong đó có một lính Mỹ. Quyết định này của Trump khiến đàm phán giữa hai bên rơi vào bế tắc. 
Nga tuyên bố chiến tranh tại Syria đã đến hồi kết
Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, chiến tranh tại Syria thực sự đã đến hồi kết, đất nước này đang dần trở lại cuộc sống yên bình. Tuy nhiên, ông Sergey Lavrov cho biết, vẫn còn một số điểm nóng xung đột là các vùng chưa thuộc kiểm soát của Chính phủ Syria như Idlib và bờ Đông sông Euphrates.
Quân đội chính phủ Syria với sự trợ giúp của Nga đã liên tiếp giành những chiến thắng quan trọng thời gian qua để đi đến kết thúc cuộc nội chiến.
Các mục tiêu quan trọng nhất hiện nay ở Syria là cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân và thúc đẩy tiến trình chính trị nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng để đạt được sự ổn định lâu dài tại Syria nói riêng và toàn bộ khu vực Trung Đông nói chung.
Syria hiện đã giành lại gần như toàn bộ lãnh thổ và đang nỗ lực phục hồi cuộc sống cho người dân. Nga, trong khi đó, đang cùng Iran và Thổ Nhĩ Kỳ dàn xếp các cuộc thảo luận nhằm giúp người Syria viết lại Hiến pháp, tổ chức bầu cử tự do.
Nước này lâm vào nội chiến năm 2011 sau làn sóng Mùa xuân Arab tràn qua. Tình hình ở quốc gia Trung Đông được đảo ngược từ tháng 9/2015, khi Nga phát động chiến dịch quân sự chống khủng bố theo lời đề nghị của Chính phủ Syria. Ngoài Nga, Damascus cũng nhận trợ giúp từ Iran và các nhóm dân quân đồng minh như Hezbollah.
Cố vấn John Bolton bị sa thải
Ngày 10/9, tức một ngày sau “cú sốc” đàm phán với Taliban “chết yểu”, Tổng thống Mỹ lại bất ngờ thông báo qua mạng xã hội Twitter rằng ông đã yêu cầu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton từ chức. Ông cho biết bản thân bất đồng mạnh mẽ với nhiều đề xuất của người trợ lý và những người khác trong chính quyền cũng vậy. 
Ông John Bolton. Nguồn: AP
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nhấn mạnh ông Bolton đã khiến Mỹ thụt lùi trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên khi yêu cầu Bình Nhưỡng theo "mô hình của Libya" và "giao nộp tất cả vũ khí hạt nhân” để đổi lại sự nhượng bộ từ Mỹ. Ông cho biết bất đồng giữa ông và ông Bolton nảy sinh từ đầu năm 2018 khi ông Bolton đề cập đến mô hình này. Theo Tổng thống Trump, đây không phải ý kiến hay và là "thảm họa".
Ông Bolton từng đề nghị sử dụng sức mạnh quân sự đối với Triều Tiên và giới chức Mỹ cho rằng ông phải chịu trách nhiệm về việc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai tại Hà Nội vào tháng 2/2019 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
EU gia hạn trừng phạt Nga
Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp trừng phạt thêm 6 tháng đối với 170 công dân và 44 thực thể của Nga và Ukraine.
EU đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp trừng phạt chống Nga thêm 6 tháng. 
Bước đi này khiến Moscow không còn hy vọng vào một sự thay đổi trong chính sách của phương Tây đối với Nga dù trong nội bộ của EU vẫn tiếp tục có những tiếng nói ủng hộ một sự thay đổi.
EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ ngày 31/7/2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Đáp lại, Moscow áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga.
EU vẫn tiếp tục gia hạn nhiều lần các gói biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Kết quả là đến nay, cuộc chiến trừng phạt giữa Moscow và Brussels không những không có dấu hiệu kết thúc mà còn ngày càng được kéo dài không hồi kết.