Thế giới tuần qua: Hàn Quốc bắt giam cựu tổng thống Park Geun-hye

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Anh chính thức kích hoạt Brexit, cựu Tổng thống Hàn Quốc bị bắt, Tổng thống Trump kháng cáo phán quyết "đóng băng" sắc lệnh di trú... là các sự kiện nổi bật tuần qua.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị bắt
Tòa án Trung tâm quận Seoul thông qua lệnh bắt giữ bà Park Geun-hye đặt dấu chấm hết cho con đường chính trị của nữ Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên.
 Cựu Tổng thống Park Geun-hye.
Sau phán quyết của Tòa án Trung tâm quận Seoul, cựu Tổng thống Hàn Quốc được đưa đến trung tâm giam giữ ở phía Nam Seoul, nơi đang giam những nhân vật chính trong vụ bê bối tham nhũng, gồm người bạn thân Choi Soon-sil và “thái tử” Samsung Lee Jae-yong. Theo luật, các công tố viên có 20 ngày để buộc tội và đưa bà Park ra tòa. Nếu bị kết án, cựu Tổng thống Hàn có thể phải đối mặt với mức án 10 năm tù giam. 
Việc bà Park Geun-hye chính thức bị bắt giữ đồng nghĩa với khả năng các công tố viên sẽ sớm kết thúc quá trình điều tra vụ bê bối tham nhũng gây rúng động chính trường Hàn Quốc. Như vậy, Hàn Quốc sẽ sớm phải bắt tay vào cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 9/5 tới. Tuy nhiên, một cuộc bầu cử sớm cũng được cho là thách thức lớn đối với các ứng cử viên, nhất là trong bối cảnh Hàn Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn từ cả trong và ngoài nước.
Tổng thống Trump kháng cáo phán quyết "đóng băng" sắc lệnh di trú
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 30/3 đã nộp đơn kháng cáo tại Tòa phúc thẩm khu vực số 9 ở San Francisco để phản đối phán quyết "đóng băng" sắc lệnh di trú mới.
Tổng thống Trump tuyên bố bảo vệ đến cùng sắc lệnh di trú.
Động thái này diễn ra một ngày sau khi Thẩm phán liên bang Mỹ Derrick Watson ban hành lệnh cấm vô thời hạn những điều khoản chính trong sắc lệnh di trú mới của Tổng thống Donald Trump.
Theo Thẩm phán Derrick Watson, sắc lệnh di trú sửa đổi này của ông Trump không có nhiều thay đổi so với sắc lệnh trước đó. Thẩm phán Watson cũng cho rằng, sắc lệnh này phân biệt đối xử về tôn giáo và quốc tịch và đi ngược lại Hiến pháp Mỹ.
Ngày 29/3, ông Derrick Watson tiếp tục kéo dài vô thời hạn việc "đóng băng" sắc lệnh di trú của ông Trump trong quá trình vụ việc đang được xem xét.
“Bộ Tư pháp phản đối mạnh mẽ phán quyết của tòa liên bang. Sắc lệnh hành pháp của tổng thống là thẩm quyền hợp pháp nhằm bảo vệ an ninh quốc gia", Người Phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết trong một tuyên bố. Đại diện Bộ Tư pháp cũng tuyên bố sẽ tiếp tục bảo vệ sắc lệnh này trước tòa.
Anh chính thức kích hoạt Brexit
Ngày 29/3, Thủ tướng Anh Theresa May đã kích hoạt tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU) của nước Anh (Brexit). Nhiều sóng gió được dự báo cho cuộc “ly hôn” này.
Đại sứ Anh tại EU trao lá thư kích hoạt Brexit của Thủ tướng Theresa May.
Ngay sau khi bà May ấn định thời điểm kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào ngày 29/3, ông Michel Barnier - Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, "bóng gió" trên mạng Twitter rằng tất cả 27 thành viên còn lại của liên minh này đã sẵn sàng áp đặt những biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động hải quan. Ông Barnier cũng cảnh báo rằng khoảng thời gian 2 năm đàm phán không đủ để mang lại cho nước Anh một thỏa thuận thương mại toàn diện với EU.
Đặc biệt, ông Barnier cho biết, Anh có thể sẽ phải trả cho EU từ 55 - 60 tỷ Euro (tương đương 59 - 65 tỷ USD). “Không có giá cho một quốc gia để rời khỏi liên minh, nhưng chúng tôi phải giải quyết các vấn đề. Không hơn không kém”, nhà lãnh đạo EU Michel Barnier nhấn mạnh.
Tờ The Guardian của Anh dự báo, bà May sẽ phải vượt qua nhiều thách thức khi bà bắt đầu tiến trình đàm phán được coi là phức tạp nhất lịch sử nền chính trị nước Anh.
Malaysia trao trả thi thể công dân Triều Tiên
Ngày 31/3, thi thể của công dân Triều Tiên Kim Chol, người nghi ngờ là anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã được chuyển tới Bình Nhưỡng.
Công dân Triều Tiên thiệt mạng được cho là Kim Jong-nam.
Công dân Triều Tiên nghi là Kim Jong-nam đã bị sát hại hôm 13/2 tại sân bay Kuala Lumpur bằng chất kịch độc VX. Vụ việc đã gây ra một cuộc bất hòa ngoại giao giữa Malaysia và Triều Tiên. 2 nước đã trục xuất Đại sứ và cấm các công dân của nước còn lại xuất cảnh.
Các nhà điều tra Malaysia đang tìm kiếm 7 nghi phạm Triều Tiên, trong đó 4 nghi phạm đã rời Malaysia ngay trong ngày xảy ra vụ việc, 3 người còn lại được cho là đang trốn trong Đại sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur. Tuy nhiên, theo một thỏa thuận được cả 2 bên tuyên bố, giới chức 2 nước sẽ dỡ các lệnh cấm đi lại và Kuala Lumpur sẽ trả thi thể nạn nhân cho Bình Nhưỡng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần