Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới tuần qua: Khủng bố đẫm máu ở Ai Cập, tân Tổng thống Zimbabwe nhậm chức

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ đánh bom, xả súng vào nhà thờ Hồi giáo ở Ai Cập làm 305 người chết, Zimbabwe sang trang lịch sử mới khi có Tổng thống mới là những sự kiện nổi bật nhất trong tuần.

Vụ khủng bố tại Ai Cập: 305 người thiệt mạng, thủ phạm mang cờ IS
Hiện tại, 305 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công nhà thờ Hồi giáo Ai Cập. Những kẻ tấn công mang theo cờ của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Theo giới chức Ai Cập, 305 người, trong đó có 27 trẻ em đã thiệt mạng và 120 người khác bị thương trong vụ khủng bố nhà thờ Hồi giáo tại Sinai một ngày trước, khiến đây trở thành vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất nhằm vào dân thường tại Ai Cập trong những năm gần đây.
Hiện trường vụ tấn công nhà thờ Hồi giáo Ai Cập.
Vụ việc xảy ra khi người dân đang kết thúc buổi làm lễ hôm thứ Sáu (24/11) tại đền thờ Hồi giáo Rawdah thì khoảng 40 phần tử khủng bố đã cho kích nổ các thiết bị nổ tự chế trước khi nã đạn vào đám đông gồm hàng trăm người.
Theo truyền thông nhà nước Ai Cập, những kẻ tấn công đã mang theo cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khi thực hiện vụ tấn công này. Trong khi đó, vẫn chưa có tổ chức nào thừa nhận là thủ phạm vụ tấn công.
Giới chức Ai Cập thông báo sẽ xử lý vụ tấn công ở mức "trường hợp an ninh quốc gia cực kỳ khẩn cấp."
Giới chức lãnh đạo nhiều nước trên thế giới tiếp tục lên án vụ tấn công, đồng thời chia sẻ sự cảm thông và chia buồn đối với người dân và đất nước Ai Cập trước những mất mát.
Tuyên bố ngày 24/11 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc​ bày tỏ hy vọng những người bị thương trong vụ tấn công sớm bình phục, đồng thời nhấn mạnh cần đưa thủ phạm, những kẻ chủ mưu, các tổ chức, cá nhân bảo trợ cho các hành động khủng bố ra xét xử trước pháp luật.
Thách thức cho tân Tổng thống Zimbabwe
Hàng chục nghìn người Zimbabwe đã chứng kiến lễ nhậm chức tổng thống của ông Emmerson Mnangagwa ngày 24/11.
Ông Mnangagwa thay thế cựu tổng thống Robert Mugabe vừa từ chức hồi đầu tuần. Ông Mnangagwa từng giữ chức bộ trưởng Tư pháp và bộ trưởng Quốc phòng Zimbabwe.
Ông Emmerson Mnangagwa tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Zimbabwe.
Ông là một trong những người trung thành của cựu Tổng thống Mugabe trong nhiều thập kỷ cho đến khi ông Mugabe sa thải Mnangagwa để dọn đường cho vợ mình là Grace lên kế nhiệm.
Tại lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Mnangagwa tuyên bố sẽ mang dân chủ cho Zimbabwe và tạo quan hệ với các nước khác.
Một trong những vấn đề mà ông Mnangagwa cần phải giải quyết là tình trạng kinh tế sa sút và tỷ lệ thất nghiệp quá cao. Phóng viên BBC cho biết, ưu tiên của người trẻ tuổi ở Zimbabwe là cải cách kinh tế chứ không phải cải cách chính trị.
Tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia châu Phi này được cho là khoảng 90%. Hiện, tỷ lệ lạm phát của Zimbabwe ở mức hàng đầu thế giới, buộc nước này phải bỏ đồng tiền riêng vào năm 2009. Trong khi đó, 21% người dân có mức sống dưới 1,9 USD/ngày.
Manhattan, Nhà Trắng là những mục tiêu tấn công hạt nhân cao nhất của Triều Tiên
Ủy ban Quan hệ Đối ngoại châu Âu vừa tiết lộ 15 địa điểm được cho là mục tiêu tấn công hạt nhân của Triều Tiên, đặc biệt quận Manhattan (New York), Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng Mỹ là các mục tiêu cao nhất.
Ủy ban Quan hệ Đối ngoại châu Âu vừa đưa ra báo cáo khoanh vùng 15 địa điểm được cho là mục tiêu tấn công hạt nhân của Triều Tiên, chủ yếu ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật và lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Trong 15 điểm này bao gồm các mục tiêu quân sự chiến lược và các thành phố (TP) đông dân.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
 Báo cáo nghiên cứu, xuất bản ngày 22/11, cho biết: “Bình Nhưỡng liên tục đe dọa các căn cứ quân sự của Mỹ trên châu Á Thái Bình Dương và các thành phố lớn trong lục địa. Bên cạnh đó, các thành phố của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công”.
Tất cả các cơ quan đầu não chính quyền biểu tượng của Mỹ như Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng cũng như các TP lớn Manhattan, đảo Guam, thủ đô Tokyo (Nhật Bản) đều nằm trong danh sách này.
Ủy ban Quan hệ Đối ngoại châu Âu lên danh sách này dựa vào nghiên cứu hàng loạt tuyên bố đe dọa của Triều Tiên trên truyền thông nước này khi lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền, và cả thông tin tình báo.
Trước đó, Triều Tiên cũng nhiều lần công bố bản đồ các mục tiêu tấn công hạt nhân, nổi bật trong số đó là bức hình bản đồ đưa ra trong tháng 3/2013, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ rõ các mục tiêu trong đất liền Mỹ.
Mục đích của lần nghiên cứu này là nhằm “dự đoán bước đi của Bình Nhưỡng đối với các kịch bản khác nhau” và hiểu rõ hơn “cách nhìn nhận của quốc gia này về vũ khí hạt nhân và khi nào họ sẽ sử dụng chúng”.

Theo danh sách tại Mỹ, quận Manhattan (New York), Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng là các mục tiêu cao nhất. Ngoài ra còn đảo Guam, Hawaii, các tàu ngầm hạt nhân Mỹ, các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương.
Tại Hàn Quốc là Nhà Xanh và các trụ sở bộ ngành, Seoul, Degu, Jungwon, Gyeryongdae, Pyeongtaek, các căn cứ quân sự Mỹ ở Osan, Busan, Gusan.
Tại Nhật, đó là các TP Kyoto, Osaka, Yokohoma, Kyodo, Nagoya, Yokosuka, Misawa, Okinawa, căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa.
Theo báo cáo, “không giống các quốc gia hạt nhân khác, Triều Tiên không tuyên bố rõ ràng học thuyết hạt nhân của mình, bối cảnh nào thì sẽ tiến hành một vụ tấn công”. Tuy nhiên báo cáo cũng xác định Triều Tiên sẽ chỉ phát động chiến tranh hạt nhân một khi nhận thấy đất nước đang bị nguy hiểm.
Báo cáo của Ủy ban Quan hệ Đối ngoại châu Âu được công khai trong bối cảnh căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ đang leo thang, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Triều Tiên vào danh sách các nước tài trợ khủng bố. 
Ngày 22/11, Triều Tiên đã lên tiếng phản đối quyết định đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một "hành động khiêu khích nghiêm trọng", đồng thời cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt sẽ không bao giờ buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Bà Merkel ủng hộ tiến hành cuộc bầu cử mới
Một cuộc thăm dò được công bố hồi đầu tuần cho biết, cuộc bầu cử mới sẽ có kết quả tương tự như cuộc bầu cử tháng 9.
Sự thất bại của các cuộc đàm phán liên minh là chưa từng có trong lịch sử Đức và được tạp chí Der Spiegel so sánh với cuộc bầu cử Tổng thống gây shock của Mỹ hoặc cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh.
Bà Merkel cho biết, một cuộc bầu cử mới sẽ là cách tốt hơn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, bà ủng hộ phương án tổ chức một cuộc bầu cử mới sau khi cuộc đàm phán thành lập liên minh chính phủ thất bại. Tuy nhiên, Tổng thống Đức tuyên bố sẽ nỗ lực để thành lập một chính phủ.
Vướng mắc lớn nhất trong việc thành lập liên minh chính phủ là vấn đề di cư. Bà Merkel đã bị phản đối dữ dội sau quyết định mở cửa cho phép 1 triệu người di cư vào Đức hồi năm 2015.
Các cuộc đàm phán thành lập liên minh thất bại đặt ra nguy cơ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới và có khả năng gián đoạn dự kiến 12 năm cầm quyền của bà Merkel.
Đương kim Thủ tướng Đức cho biết, bà nghi ngại về việc cầm quyền trong một chính phủ thiểu số. Trả lời đài truyền hình ARD, bà Merkel cho biết, một cuộc bầu cử mới sẽ là cách tốt hơn.
Kế hoạch của nữ Thủ tướng Đức cũng không bao gồm việc đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng trong một chính phủ thiểu số, bà Merkel cho biết sau cuộc gặp với Tổng thống  Frank-Walter Steinmeier.
Ông  Frank-Walter Steinmeier cho biết, nước Đức đang đối mặt với khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử 68 năm từ sau Thế chiến II và nhấn mạnh, các đảng cần nỗ lực thiết lập một chính phủ.
Tuyên bố của Tổng thống Đức nhắm vào đảng Dân chủ tự do (FDP) và đảng Dân chủ xã hội (SPD) - 2 đảng đã bác bỏ việc thành lập liên minh với đảng của bà Merkel.
Tuy nhiên, nếu một cuộc bầu cử mới diễn ra, nguy cơ đảng cực hữu Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD) có quan điểm bài ngoại chống người di cư sẽ có thêm phiếu bầu vào Quốc hội.
Một cuộc thăm dò được công bố hồi đầu tuần cho biết, một cuộc bầu cử mới sẽ có kết quả tương tự như cuộc bầu cử tháng 9 với kết quả dự báo đảng Xanh đạt được kết quả tốt nhất.
Cụ thể, đảng bảo thủ của bà Merkel sẽ nhận được 31%, đảng SPD nhận được 21% trong khi đảng Xanh và AfD nhận được 12%.