Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới tuần qua: Tây Ban Nha phát lệnh bắt giữ cựu Thủ hiến Catalonia

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Bộ trưởng Quốc phòng Anh từ chức vì có hành động không đúng mực và Tòa án Tây Ban ban hành lệnh bắt giữ trên toàn châu Âu đối với cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Tổng thống Trump bổ nhiệm Chủ tịch FED mới
Tổng thống Trump tiết lộ người đứng đầu FED sẽ là người được kỳ vọng "làm nên chuyện" và sẽ rất "gây ấn tượng".
Ngày 2/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lựa chọn ông Jerome Powell, một thành viên của Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), giữ chức Chủ tịch FED thay thế bà Janet Yellen sau khi bà hết nhiệm kỳ vào tháng 2/2018.
Ông Powell được bổ nhiệm vào Hội đồng Thống đốc của FED từ năm 2012 và là một người được cho là có quan điểm mềm mỏng theo đường lối ôn hòa. Tổng thống Trump gọi ông Powell là một người cứng rắn, thông minh và có đủ sự khôn khéo cũng như kỹ năng lãnh đạo để dẫn dắt nền kinh tế Mỹ. 
Ông Jerome Powell, một thành viên của Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Theo giới chức Nhà Trắng, ông Powell được lựa chọn dựa trên trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc tại FED cũng như khả năng phối hợp với Tổng thống Trump.
Giới hoạch định chính sách và thị trường tài chính coi ông Powell là một sự lựa chọn an toàn của Tổng thống Trump bởi ông này được cho là sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ hiện tại của Mỹ. Quyết định bổ nhiệm ông Powell sẽ được trình lên Thượng viện để phê chuẩn.
Trước đó, hôm 27/10, trên mạng xã hội Instagram, Tổng thống Trump tiết lộ người đứng đầu FED sẽ là người được kỳ vọng "làm nên chuyện" và sẽ rất "gây ấn tượng".
Cựu Thủ hiến Catalonia tuyên bố sẵn sàng hợp tác với cơ quan tư pháp Bỉ
Tòa án Tây Ban Nha ngày 3/11 đã ban hành lệnh bắt giữ châu Âu (EAW) đối với cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont và 4 quan chức khác vì không có mặt tại tòa án ở Madrid để nghe cáo trạng.
Ngày 3/11, một thẩm phán Tây Ban Nha đã phát Lệnh bắt giữ châu Âu (EAW) đối với cựu Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont và 4 cựu thành viên trong chính quyền bị phế truất, sau khi các quan chức này không về nước trình diện tòa theo lệnh triệu tập để trả lời thẩm vấn liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi tách ra độc lập. Điều này đồng nghĩa với việc Puigdemont  không thể về Tây Ban Nha tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới.
Cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont.
Trước đó, cựu lãnh đạo vùng tự trị Catalonia và 4 thành viên khác trong chính quyền bị giải tán đã rời khỏi Tây Ban Nha để sang Bỉ.
Cơ quan công tố Tây Ban Nha cáo buộc ông Puigdemont các tội danh nổi loạn, xúc giục nổi loạn và lạm dụng công quỹ.
Theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), quốc gia có người bị truy nã ẩn náu phải bắt và trao trả người này cho nước phát ra lệnh EAW trong thời hạn tối đa là 60 ngày.
Phản ứng với lệnh bắt giữ của Tòa án Tây Ban Nha, cựu lãnh đạo Catalonia, ông Carles Puigdemont, ngày 3/11 cho biết ông sẵn sàng hợp tác với hệ thống tư pháp của Bỉ.
"Tôi sẽ đối mặt với công lý nhưng chỉ với công lý thực sự... Tôi đã nói với các luật sư của mình báo với cơ quan tư pháp của Bỉ rằng tôi hoàn toàn sẵn sàng hợp tác", ông Puigdemont cho biết. 
Theo thủ tục, cơ quan tư pháp của Bỉ sẽ phải phát một lệnh triệu tập cựu Thủ hiến Puigdemont cùng 4 quan chức trên và lệnh này phải được thực thi trong vòng 24 giờ sau khi EAW được ban bố.
Trước đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã bãi nhiệm ông Puigdemont và toàn bộ chính quyền Catalonia sau khi vùng tự trị này tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha. Chính phủ trung ương Madrid đã chính thức kiểm soát vùng này. 
Theo kế hoạch, cuộc bầu cử tại địa phương này sẽ được tổ chức vào ngày 21/12 tới. Trong khi đó, tiến trình điều tra xét xử các cựu quan chức vùng này đang diễn ra. 8 thành viên trong chính quyền bị phế truất của ông Puigdemont đã bị bắt giữ hôm 2/11 để phục vụ công tác điều tra. 
Ngày 9/11 tới, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha sẽ mở phiên tòa đối với các cựu thành viên Hội đồng lập pháp bị giải tán của Catalonia, trong đó có cựu Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Carme Forcadell. 
Cựu thủ hiến Catalonia ngày 4/11 cho biết sẵn sàng tái tranh cử trong cuộc bầu cử khu vực vào cuối tháng 12 từ một địa điểm bí mật ở Bỉ.
"Tôi đã sẵn sàng ứng cử. Tôi muốn gửi thông điệp đó đến người dân vùng Catalonia", AFP ngày 4/11 dẫn lời cựu thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Bỉ.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh từ chức vì có hành động không đúng mực
Ngày 1/11, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon đã gửi thư từ chức đến Thủ tướng Theresa May, sau khi thừa nhận hành vi ứng xử của mình không phù hợp với vị trí chức vụ.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon ngày 1/11 thông báo từ chức, chỉ 1 ngày sau khi ông này lên tiếng thừa nhận từng có hành động không đúng mực với một nữ phát thanh viên hồi năm 2002.
 Ông Michael Fallon. Ảnh: Sky News
Trước đó, hôm 31/10, Bộ trưởng Fallon thừa nhận từng có hành động không đúng mực với một nữ nhà báo trong bữa tiệc hội nghị từ năm 2002.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Fallon cho biết: “Trong những ngày gần đây, xuất hiện những lời tố cáo hành vi quấy rối tình dục từ các nghị sĩ, trong đó có cả của tôi. Rất nhiều lời tố cáo trong số đó là bịa đặt, nhưng tôi thừa nhận trong quá khứ, tôi đã không đáp ứng được tiêu chuẩn cao của quân đội”.
Trước đó, vào đầu tuần này, vị chính trị gia 65 tuổi này đã phải xin lỗi nữ phóng viên Julia Hartley-Brewer sau khi cô lên tiếng tố cáo một Bộ trưởng Nội các cấp cao đã liên tục đặt tay của ông lên gối cô trong suốt bữa tiệc tối với giới báo chí năm 2002. Tuy nhiên cô không hề nhắc thẳng tên của Bộ trưởng Fallon.
Michael Fallon là chính trị gia Anh đầu tiên phải từ chức trong vụ tố cáo bê bối quấy rối tình dục khiến dư luận xứ sở sương mù xôn xao vừa qua.
Vụ lùm xùm này cũng khiến Thủ tướng Theresa May phải chịu thêm nhiều áp lực từ dư luận, trong khi nhà lãnh đạo này vốn đang có thừa những vấn đề “đau đầu” liên quan tới tiến trình đàm phán Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). 
Phản ứng trước quyết định xin từ chức của Bộ trưởng Fallon, Thủ tướng May vẫn khen ngợi quãng thời gian “làm việc cần mẫn” của ông. 
Tổng thống Mỹ bắt đầu công du châu Á
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng phu nhân Melania Trump ngày 3/11 đã lên chuyên cơ Air Force One để bắt đầu chuyến công du châu Á 12 ngày nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của khu vực đối với vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Chuyến đi nhằm 2 mục đích chính là tái khẳng định lập trường của Mỹ đối với Triều Tiên cũng như nhằm tăng cường sức mạnh kinh tế của cường quốc kinh tế số 1 thế giới này.
Nhà Trắng khẳng định, đây là chuyến công du khu vực dài ngày nhất của một Tổng thống Mỹ kể từ năm 1991 và cũng là chuyến đi có nhiều điểm dừng nhất tại khu vực trong 14 năm qua, kể từ chuyến thăm châu Á năm 2003 của cựu Tổng thống George W. Bush.
Điểm đến đầu tiên của Tổng thống Trump sẽ là Hawaii, sau đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines
Đặc biệt, vào phút chót, ông Trump đã quyết định kéo dài chuyến thăm tới châu Á của mình để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS).
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ sẽ kéo dài chuyến đi châu Á để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Philippines.
Theo đó, từ ngày 5-14/11, ông Trump sẽ tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines trong chuyến công du tới khu vực lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức.
Ngoài việc gặp gỡ trực tiếp nhà lãnh đạo của các nước, ông Trump cũng sẽ tham dự Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Mỹ - ASEAN.
Ngày 3/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết không loại trừ khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp bên lề Hội nghị APEC sắp diễn ra tại thành phố Đà Nẵng. Phát biểu với báo giới, ông Peskov nêu rõ: “Chúng tôi không loại trừ về khả năng này, hiện cuộc gặp đang được hai bên thỏa thuận."
Mục đích của chuyến thăm châu Á lần này là tạo ra liên minh đối phó với những đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng, cũng như trấn an các nhà lãnh đạo trong khu vực về khả năng quốc phòng và hợp tác thương mại của Mỹ.
Anne Marie Slaughter - cựu Giám đốc kế hoạch chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump được bắt nguồn từ chương trình nước Mỹ đầu tiên của ông. Vì vậy, bà Slaughter dự đoán ông Trump sẽ cố gắng giành những thỏa thuận tốt nhất khi tới châu Á.
Đối với các chính quyền châu Á, chuyến thăm này của Tổng thống Mỹ là cơ hội để giải quyết những nghi ngờ bấy lâu nay về sự quan tâm của Mỹ đối với khu vực.
Theo các nhà phân tích, ưu tiên của chính quyền Tổng thống Trump với chuyến thăm này, đó là tiếp tục xây dựng một sự đồng thuận khu vực đối với chiến lược gia tăng sức ép về kinh tế cũng như ngoại giao chống Triều Tiên.
Tổng thống Trump cũng sẽ phải thúc đẩy việc thực thi các biện pháp trừng phạt mới, đặc biệt là với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên. Người đứng đầu nước Mỹ vẫn luôn cho rằng, Trung Quốc rõ ràng phải làm nhiều hơn nữa.
Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster, Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục kêu gọi tất cả các quốc gia có trách nhiệm, đặc biệt là những nước có ảnh hưởng với Triều Tiên cô lập hơn nữa chính quyền nước này về kinh tế và chính trị.
Chặng dừng chân được dư luận đặc biệt quan tâm trong chuyến công du châu Á đầu tiên này của Tổng thống Trump chính là Trung Quốc, với cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc kể từ sau Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 kết thúc cách đây đúng 2 tuần.