Thể hiện quan điểm nhân văn của xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo mới về Luật Trẻ em đã tiếp thu những ý kiến thể hiện rõ quyền của trẻ em, song vẫn còn một số quy định khiến nhiều chuyên gia băn khoăn.

Thể hiện quan điểm nhân văn của xã hội - Ảnh 1Bên lề hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Trẻ em diễn ra sáng 5/5 do Bộ LĐTB&XH tổ chức, TS Trần Thị Thanh Thanh - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em đã chia sẻ quan điểm về vấn đề này.

Ý kiến của bà như thế nào về Dự thảo Luật Trẻ em trước khi được trình lên Chính phủ?

- Dự thảo Luật lần cuối có nội dung hoàn chỉnh hơn, thể hiện đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước, Hiến pháp Việt Nam tôn trọng quyền con người nói chung, đặc biệt là quyền của trẻ em. Dự luật quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức xã hội, đặc biệt có hẳn một điều nói về Hội Bảo vệ quyền trẻ em, phản ánh thực tế xã hội hình thành lực lượng tự nguyện xã hội khá lớn đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia cùng với các cơ quan Nhà nước bảo đảm cho các em được chăm sóc, phát triển, được bảo vệ.

Trong Dự luật quy định trẻ em có rất nhiều quyền, nhưng bổn phận lại rất ít, thưa bà?

- Luật Trẻ em chủ yếu nói đến đối tượng cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục cũng như tôn trọng quyền tham gia theo tinh thần Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Chính vì vậy, quyền được nhấn mạnh nhiều hơn, thể hiện quan điểm nhân văn của xã hội đối với đối tượng còn non nớt cần được quan tâm chăm sóc.

Nhưng có ý kiến lo lắng trẻ em sẽ lạm dụng quyền của mình để làm những việc không tốt?

- Đúng là thực tiễn có nhiều vấn đề đặt ra, người ta nói sao chú ý nhiều đến quyền mà không quan tâm đến bổn phận. Tuy nhiên, theo tôi, mỗi giai đoạn có những yêu cầu khác nhau. Sự phát triển về nhận thức, nhất là hiện nay quy định của quốc tế xu hướng ngày càng tôn trọng quyền của con người. Việt Nam cũng tôn trọng quyền con người. Trong bối cảnh lịch sử, có giai đoạn nào đấy, quyền của con người chưa được thực hiện đầy đủ về mọi mặt. Khi chế độ xã hội có những cởi mở, dân chủ, có điều kiện phát triển về kinh tế - xã hội mạnh hơn trước, quyền của con người được bảo đảm nhiều hơn. Chính vì vậy, 24 quyền của trẻ em được thể hiện tương đối chi tiết trong Dự luật. Mình chỉ cần phấn đấu thực hiện tốt, thì càng thể hiện chế độ chúng ta rất ưu việt, quan tâm đến con người, tạo điều kiện cho những quyền đáng có tự nhiên và quyền luật pháp quy định.

Thưa bà, Dự luật quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi. Nhiều ý kiến băn khoăn, liệu ngân sách Nhà nước có “kham” nổi khi có thêm 4 triệu trẻ em và số trẻ vi phạm pháp luật chiếm tỷ lệ khá cao?

- Chúng ta cần nhận thức lại. Định nghĩa mang tính pháp lý, những người dưới 18 tuổi chưa trưởng thành về phát triển bộ não, trí tuệ, tình cảm, thể chất. Lâu nay, người ta vẫn nhận thức thanh niên từ 16 tuổi trở lên gắn với phát triển trong tổ chức Đoàn. Hiện nay, Luật Hình sự, Luật Lao động và một số luật khác có sự đồng nhất với khái niệm này, Luật Thanh niên có chương về trẻ em vị thành niên, quy định trẻ em 16 - 18 tuổi được áp dụng theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Khi Luật được ban hành, cùng với nó phải là quá trình bổ sung, điều chỉnh các biện pháp chính sách cho phù hợp. Chắc chắn nhiều vấn đề đặt ra. Theo tôi, nếu nhận thức của xã hội, gia đình, bộ, ngành thay đổi, quan tâm, chăm sóc và đối xử tốt với các em thì có khi kết quả phát triển một cách tích cực, có khi ít người vi phạm pháp luật và ít tiêu cực hơn.
Giờ ăn trưa tại trường Mầm non A, quận Hoàn Kiếm.	 Ảnh: Công Hùng
Giờ ăn trưa tại trường Mầm non A, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng
Tôi nghĩ, từ chính sách này có thể tác động tạo ra một lớp trẻ em có chí hướng, tình cảm, bản lĩnh, biết cách sống tự lập, biết tôn trọng người khác, biết tôn trọng mình và giảm khía cạnh tiêu cực. Thứ hai, nếu mình chấp nhận trẻ em dưới 18 tuổi, các em sẽ thấy tự hào, phấn khích và sẽ làm tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Về khía cạnh ngân sách sẽ có phát sinh, nhưng chấp nhận được. Nhưng lớn hơn vẫn là thể hiện được bản chất, giá trị nhân văn của xã hội.

Thưa bà, Điều 88 của Dự luật quy định trách nhiệm của Hội Bảo vệ quyền trẻ em, các tổ chức xã hội. Nhưng dường như chưa thể hiện rõ được vai trò của Hội?

- Theo tôi, Điều 88 là sự tiến bộ, tuy nhiên, cách thể hiện chưa rõ đặc điểm của tổ chức. Chúng ta có tổ chức xã hội là những người tự nguyện đảm nhận kinh phí nhưng cái đích hoạt động là làm cho chất lượng sống của trẻ em tốt hơn. Cách viết ở đó có cái đúng là hoạt động theo điều lệ, song theo tôi, cần cụ thể hóa ra một số quyền và trách nhiệm. Ví dụ, quyền đại diện cho tiếng nói của đối tượng phục vụ; quyền được giám sát phản biện những chủ trương liên quan đến bảo vệ quyền trẻ em; quyền có thể khuyến nghị, đề nghị những biện pháp, hoạt động bảo vệ đối tượng trẻ em.

Xin cảm ơn bà!