Đề nghị cử đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa đông và tổ chức đàm phán với Hàn Quốc của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã làm tăng thêm căng thẳng vốn có giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Khả năng mở ra các cuộc đàm phán giữa 2 nước là ý tưởng Mỹ vẫn còn hoài nghi.
“Mỹ rất nghi ngờ sự chân thành đề nghị đàm phán của ông Kim Jong-un”, nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Heather Nauert cho biết.
Quan điểm này trái ngược với những gì mà người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc phát biểu. Ông Park Soo-huyn, người phát ngôn Tổng thống cho biết, Seoul sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng, bất kể thời gian, địa điểm và hình thức.
Hàn Quốc đã “sốt sắng” đề xuất ngày tổ chức đàm phán là vào 9/1 nhưng Triều Tiên chưa phản hồi.
Evans Revere, cựu ngoại giao của Mỹ tại Hàn Quốc cho biết, vào thời điểm này, có 2 xu hướng diễn ra đồng thời: Mỹ đe doạ chiến tranh với Triều Tiên và Hàn Quốc hướng tới đối thoại một cách tích cực với Triều Tiên. "Những điều này đang diễn ra đồng thời và mâu thuẫn trực tiếp với nội dung cơ bản của chính sách của Washington”, ông Evans Revere nói.
Sự khác biệt trong việc diễn giải lời nói nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh khoảng cách giữa 2 đồng minh Washington - Seoul mà Bình Nhưỡng muốn khai thác. Trong khi chính phủ Hàn Quốc nhìn thấy cơ hội từ nhà lãnh đạo Triều Tiên, các quan chức Mỹ lại không nghĩ như vậy.
Một quan chức giấu tên của Hội đồng an ninh quốc gia cho biết, người nào an tâm về thông điệp của ông Kim Jong-un chắc hẳn đã quá lạc quan.
Elliot Abrams, một thành viên cao cấp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng, ông lo lắng về những gì người Hàn Quốc đang làm. "Tôi nghĩ rằng họ đang rơi vào cái bẫy của Triều Tiên. Nếu tiếp tục đi theo hướng mà Tổng thống Moon Jae-in muốn thì sẽ có nguy cơ phá hoại mối quan hệ quân sự Mỹ - Hàn”, ông Abrams nhận định.
Sự phụ thuộc của Seoul vào Mỹ về một hệ thống ngăn chặn hạt nhân có thể sẽ khiến Tổng thống Moon Jae-in khó xử trong các cuộc hội đàm với Triều Tiên. Các nhà phân tích dự đoán, ông Kim Jong-un có thể tìm cách ra điều kiện nới lỏng các biện pháp trừng phạt và huỷ bỏ các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn hoặc tìm kiếm các hỗ trợ nhân đạo và tái hợp các gia đình ly tán do cuộc chiến tranh liên Triều.
Katherine Moon, nhà nghiên cứu về Châu Á học tại trường Wellesley College, bang Massachusetts, Mỹ cho hay, thách thức của Tổng thống Moon Jae-in trong cuộc đàm phán là sẽ đem lại kết quả tích cực với Triều Tiên trong khi đảm bảo sẽ có một sự hy sinh “chấp nhận được” trong quan hệ với Mỹ.
Triều Tiên muốn đạt được nhiều kết quả, bao gồm cả việc tiếp cận kinh tế, vì vậy “giá” cho cuộc đàm phán này với Bình Nhưỡng cao hơn bao giờ hết so với năng lực hạt nhân hiện tại của nước này. Vì vậy, mọi người không nên cho rằng, những lời đề nghị này sẽ đặt nền móng cho các tín hiệu tích cực. “Lời đề nghị này sẽ đi kèm với chi phí cao”, bà Moon nói.