Thể thao Việt Nam liên quan đến doping: Từ ý thức đến thiếu chuyên nghiệp

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo như thống kê, 17 năm qua thể thao Việt Nam đã có tới 16 ca liên quan đến doping (chất cấm). Trong đó 2 ca mới nhất liên quan đến doping trong thi đấu thuộc về 2 vận động viên trẻ của môn cử tạ (Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Đình Sáng). Điều này khiến môn cử tạ Việt Nam có khả năng bị cấm dự Olympic.

Con số kinh ngạc

Nhớ lại cách đây 17 năm, khi Việt Nam là chủ nhà của SEA Games 2003 với ngôi vị nhất toàn đoàn nhưng nó thực sự chưa viên mãn khi nước chủ nhà lại có vấn đề liên quan tới chất cấm trong thi đấu. Cụ thể, 4 trường hợp có liên quan đến doping trong thi đấu khiến đoàn thể thao Việt Nam mất 8 HCV và 1 HCB gồm Hoàng Hồng Anh (2 HCV môn Canoeing), Phạm Thị Dịu (3 HCV Lặn), Phạm Toàn Thắng (3 HCV Lặn), và Nguyễn Mai Quỳnh (HCB điền kinh). Một “cơn bão” về chất cấm đã mang đến mảng tối cho thể thao Việt Nam và cũng từ đó chủ trương “nói không với các chất bị cấm” đã được Việt Nam ký kết và đặt mục cao để không đi vào vết xe đổ.
 Nhà vô địch cử tạ thế giới hạng 62kg Trịnh Văn Vinh đã bị Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) cấm thi đấu 4 năm và phạt 5.000 USD vì do liên quan đến việc sử dụng doping. Ảnh: Tiến Tuấn

Tuy nhiên, dù quyết tâm đến mấy con số này vẫn không dừng lại mà còn tăng một cách chóng mặt khiến giới chuyên gia và người hâm mộ phải ngỡ ngàng, trong đó đáng chú ý nhất là ở môn cử tạ - nơi được coi là “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam. Khi thi đấu tại các đấu trường khu vực có tới 6 đô cử bị phát hiện dùng chất cấm. Trong đó có 5/6 trường hợp là các lực sĩ từng vô địch thế giới hay vô địch giải trẻ thế giới, thậm chí giành HCB Olympic như Hoàng Anh Tuấn, Trần Văn Vinh, Nguyễn Thị Phương Thanh, Nguyễn Thị Thu Trang, Bùi Đình Sáng. Duy nhất chỉ có VĐV Ngô Thị Hạng bị phát hiện qua kiểm tra tại một cuộc đấu trong nước là tại Đại hội TDTT toàn quốc 2010.

Ngoài ra, phải kể đến ở các bộ môn như điền kinh (2 trường hợp), thể hình (2), lặn (2), canoeing (1), boxing (1), thể dục dụng cụ (1), futsal (1). Có thể thấy, việc các VĐV có liên quan đến doping trong thể thao là điều không mong muốn nhưng qua việc thống kê đặt ra câu hỏi phải chăng việc các nhà quản lý cũng như VĐV nhận thức về vấn nạn này vẫn còn nhiều nghi vấn.

Thiếu chuyên nghiệp

Việc 2 VĐV trẻ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Đình Sáng vừa bị Liên đoàn Cử tạ quốc tế thông báo có liên quan đến doping trong thi đấu, và trước đó là vào năm 2019 của 2 VĐV cử tạ khác bị đình chỉ là Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh, rất có thể khiến cử tạ Việt Nam có khả năng bị cấm tranh tài ở Olympic năm 2021 tại Nhật Bản. Theo quy định, bất kỳ quốc gia nào vi phạm doping từ 3 lần trở lên trong thời gian diễn ra vòng loại Olympic, bắt đầu vào tháng 11/2018, đều có thể bị mất số lượng hạn ngạch hoặc bị cấm tham dự. Đây sẽ là tin không vui đối với cử tạ nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.

Phải thừa nhận rằng, các chuyên gia y học thể thao hàng đầu Việt Nam đã cảnh báo về sự thiếu hiểu biết của VĐV, HLV Việt Nam khi chỉ chăm chút cho việc tập luyện thi đấu mà quên đi việc bổ sung kiến thức về dinh dưỡng, phòng chống doping. Theo Trưởng phòng Y học thể thao thuộc trung tâm HLTTQG Nhổn Nguyễn Trọng Hiền, phần lớn các VĐV Việt Nam khi dính chất cấm đều bị sốc và không hiểu vì sao.

“Tất cả đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và nguy hiểm hơn là sự thiếu chuyên nghiệp từ những chuyện nhỏ nhất như ăn uống hàng ngày” – bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền nhận định.

Theo Giám đốc Trung tâm doping và Y học Thể thao Việt Nam (VADA) Nguyễn Văn Phú, năm 2020 là năm mà VADA đang triển khai một cách quyết liệt bởi ngoài việc có thể phạm luật thi đấu dẫn đến bị cấm thi đấu có thời hạn hoặc vĩnh viễn, 1 VĐV bị dính doping còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự quốc gia đó. Đặc biệt, khi Việt Nam đã có bài học trong lịch sử, thì phải hành động để ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này. Phải đẩy cao nhận thức của VĐV và họ sẽ là một cán bộ truyền thông về phòng chống doping cho chính các VĐV.

“Năm 2021, nhiều giải thể thao có kiểm tra doping sẽ làm quyết liệt hơn. Trung tâm cũng sẽ phối hợp với các liên đoàn, các vụ TTTC I và II đưa kiến thức và điều lệ, quy định về công tác kiểm tra doping để HLV, VĐV, cán bộ quản lý nắm được” – ông Nguyễn Văn Phú nhấn mạnh.
“Thông qua các giải trẻ, giải thể thao thành tích cao, chúng tôi muốn làm truyền thông trực tiếp đến tận tay cho các HLV, và VĐV của môn đó thì ý thức, tiếp cận của các VĐV, HLV sẽ tốt hơn các lớp tập huấn. Bên cạnh việc kiểm tra trực tiếp tại giải đấu VADA còn thường xuyên tiến hành xét nghiệm doping ngẫu nhiên đối với một số VĐV ở thời điểm bất kỳ trong năm điều này đòi hỏi các VĐV phải liên tục nâng cao vốn hiểu biết và sự chuyên nghiệp từ trong thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày” – bác sĩ Trung tâm doping và Y học Thể thao Việt Nan Vũ Trọng Hải 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần