"Thế trận" cuộc bầu cử Pháp thay đổi trong chớp mắt

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự nghiệp chính trị của ứng viên Tổng thống Pháp Francois Fillon lao đao sau cáo buộc ông tạo việc làm “khống” để trả lương cho vợ.

Cho tới cuối tuần trước, ứng viên đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) - ông Francois Fillon vẫn là lựa chọn hàng đầu để đánh bại ứng viên Marine Le Pen bên đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) trong vòng cuối cuộc bầu cử vào tháng 5 tới. Báo chí Pháp sau đó phát hiện, khi còn là nghị sĩ Quốc hội, ông Fillon đã tuyển dụng chính vợ mình làm trợ lý, nhưng trên thực tế, vợ ông không làm gì mà vẫn nhận thù lao trong nhiều năm, tổng cộng gần 1 triệu Euro. Ông Fillon đã lập tức lên truyền hình thanh minh và sau đó tận dụng mọi cơ hội để giải thích. 

 

Năm 2007, trong một bộ phim tài liệu của Sunday Telegraph, phu nhân Penelope của ông Fillon từng chia sẻ: “Tôi không có vai trò gì” và cho biết, thỉnh thoảng tham dự các sự kiện chính trị cùng chồng “nhưng rất hạn chế”. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối những năm 1990 tới đầu năm 2010, bà vẫn được trả hơn 7.000 Euro/tháng cho vị trí trợ lý của ông Fillon. Áp lực lên nghị sĩ Fillon ngày càng gia tăng khi hôm 2/2, các nhà điều tra mở rộng rà soát việc 2 người con của ông là Marie và Charles - được chiêu mộ làm trợ lý cho ông ở Thượng viện Pháp với vị trí chuyên viên luật. Theo truyền thông Pháp, trong thời điểm đó, 2 người này vẫn còn là sinh viên và chưa đủ tiêu chuẩn cho vị trí đảm trách, với mức lương tổng cộng lên tới 84.000 Euro.

Vụ bê bối đã nhanh chóng lật ngược thế trận bầu cử Pháp năm nay. Ông Fillon từ trước tới nay xây dựng hình tượng chính trị gia trong sạch và miễn nhiễm bê bối. Trong cương lĩnh tranh cử, ông cũng từng đề ra kế hoạch tiết kiệm ngân sách thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng, bao gồm việc cắt giảm 500.000 vị trí công chức nhà nước. Từ một ứng viên hàng đầu cho vị trí chủ nhân Điện Élysée, ông Fillon trở thành một chính trị gia giả dối đi ngược lại những cam kết bản thân đề ra.

Theo Henri Guaino, một nghị sĩ từ đảng LR: “Ông Fillon không thể kêu gọi sự hy sinh từ người dân Pháp, yêu cầu họ thắt chặt ngân sách và sống kham khổ trong khi bản thân đi ngược lại những tuyên bố đó”.  

Thời điểm bê bối vỡ lở quá sát với ngày bầu cử vào tháng 5 khiến đảng LR không kịp chuẩn bị ứng viên thay thế ông Fillon. Tình hình mặt khác có lợi cho đảng FN và ứng viên Marine Le Pen với xu hướng bài ngoại, khắt khe với người nhập cư, vốn được coi là “Donald Trump của nước Pháp”. Lãnh đạo có tư tưởng cực hữu này cho rằng mình có những giá trị cốt lõi và mối liên kết giống 2 sự kiện chấn động toàn cầu là Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ. Nước Pháp đang lâm cảnh khó khăn bởi tỷ lệ thất nghiệp cao trong thời kỳ hậu công nghiệp, những lo ngại về dân nhập cư, nền kinh tế địa phương sút kém và vỡ mộng với các yếu tố truyền thống dân tộc. Nhiều người Pháp cho rằng, bà Le Pen là hy vọng duy nhất của họ và hy vọng này đang dần lớn hơn sau bê bối của ứng viên Francois Fillon.