Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm 4 người chết do mưa lũ tại miền Trung

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo sáng 21/12 của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho biết, vụ sạt lở đất tại khu vực Núi Thành, thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa ngày 20/12 đã khiến 4 người chết.

Theo đó, nâng tổng số người bị chết và mất tích do ảnh hưởng của mưa lũ từ ngày 12/12 đến nay lên con số 31 người.

Lực lượng chức năng điều động phương tiện đến hiện trường xử lý sạt lở tại Khánh Hòa.
Bên cạnh mất mát về người, 804 ngôi nhà bị sập đổ, 297 nhà dân cũng bị hư hỏng. Tính đến sáng nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định còn 447 nhà bị ngập. Sản xuất nông nghiệp các địa phương tiếp tục bị ảnh hưởng lớn với 39.456ha lúa, 4.155ha mạ và 13.318ha rau, hoa màu bị thiệt hại. Số lượng hoa, cây cảnh bị thất thu: 645.600 chậu. Gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi trên 84.500 con.
Đến sáng nay, một số tuyến đường vẫn còn bị chia cắt. Cụ thể, tại Kon Tum: Đường Trường Sơn Đông từ Km196 - Km202+50 bị sạt lở nhiều vị trí, đặc biệt tại Km202+50 bị sạt lở đứt toàn bộ đường, chiều dài khoảng 50m, giao thông không lưu thông được. Ngầm Măng Krí, cầu treo Măng Krí, xã Ngọc Tem, huyện Konplong bị sạt lở, hư hỏng nặng, địa phương đặt biển báo cấm không cho người và phương tiện lưu thông qua lại trên cầu. Tại Quảng Ngãi: Đường Trường Sơn Đông bị sạt lở 11 điểm trên toàn tuyến, các phương tiện không lưu thông được. Ngoài ra, 43 cầu, cống, ngầm tràn hiện cũng đang bị hư hỏng (Quảng Nam 6 cái; Khánh Hòa 2 cái; Ninh Thuận 5 cái; Gia Lai 7 cái; Đắk Lắk 7 cái, Bình Định 16).

Các địa phương đang tích cực huy động các lực lượng khắc phục sự cố, ổn định giao thông trên địa bàn. Bước đầu các địa phương cũng đã thống kê thiệt hại ước tính bằng tiền do mưa lũ gây ra gần 10 ngày qua, với khoảng 1.198,5 tỷ đồng. Trong đó: Huế 82 tỷ; Đà Nẵng 25 tỷ; Phú Yên 103,9 tỷ; Khánh Hòa 600 tỷ; Ninh Thuận 315 tỷ; Gia Lai 72,607 tỷ. Các tỉnh khác đang tiếp tục cập nhật.

Cũng theo thống kê sơ bộ của các địa phương, tính đến 21 giờ ngày 20/12 đã nhận được hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, địa phương và các cá nhân như sau: Về lương thực: Lương khô: 19 tấn (Bình Định 15 tấn, Phú Yên 4 tấn); Mỳ tôm: 39.085 thùng (Quảng Ngãi 6.290 thùng, Bình Định 33.395 thùng); Nước uống: 11.124 thùng (Quảng Ngãi 4.088 thùng, Bình Định 7.036 thùng); Gạo: 10 tấn (Quảng Ngãi). Về thuốc khử trùng, phòng dịch: Aquatabs: 8.500 viên (Bình Định); CloraminB: 15.000 viên và 69kg bột (Bình Định). Kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ: 34,558 tỷ (Quảng Ngãi: 9,905 tỷ đồng; Phú Yên: 24,653 tỷ đồng). Các hỗ trợ khác: Hàng cứu trợ có giá trị 12 tỷ đồng, 07 canô, 70 bộ nhà bạt, 500 áo phao, 1.000 phao tròn (Bình Định) và 54.941 suất quà (Phú Yên).

23 hồ chứa tại Bình Định có hiện tượng thấm nước

Theo báo cáo sáng 21/12 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đợt mưa lũ liên tiếp vừa qua khiến mực nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh lên cao, đều đạt từ 95 - 100% dung tích thiết kế. Đáng lo ngại, sau một thời gian dài bị khô hạn, việc ở vào tình trạng tích nước trong một thời gian kéo dài hơn 2 tháng đang khiến 23 hồ chứa trên địa bàn xuất hiện hiện tượng thẩm thấm, có khả năng gây mất an toàn. Trong đó, một số hồ đáng lưu ý: Trinh Vân, Hồ Cùng, Nhà Hỗ, Núi Miếu, Gia Hội, Hố Trạnh, Hóc Xiêm. Địa phương đang tiếp tục theo dõi diễn biến, lên phương án sẵn sàng xử lý khi có sự cố. 

Trước diễn biến lên cao mực nước các hồ chứa thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đang phối hợp, chỉ đạo các địa phương xả qua tràn 31 hồ chứa có cửa van. Cũng theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, sáng nay (21/12), đơn vị đang chỉ đạo tiếp tục xả tràn 36 hồ chứa thủy điện nhằm bảo đảm an toàn hồ đập và tránh gia tăng lũ cho vùng hạ du. Cụ thể, Tây Nguyên 11 hồ, Bắc Trung Bộ 3 hồ và Duyên hải Nam Trung Bộ 22 hồ.