Đây là lần đầu tiên các cuộc đối thoại cử tri chuyên đề khá đặc biệt này được tổ chức ở quy mô toàn quốc và cũng là một hoạt động trọng tâm của Tháng Công nhân năm 2023.
Hoạt động này đang nhận được nhiều sự quan tâm bởi có thêm một kênh để những người tham gia xây dựng chính sách thấu hiểu hơn nữa yêu cầu thực tiễn và đối tượng mà chính sách sẽ điều chỉnh hoặc tác động trực tiếp.
Đối thoại hay tiếp xúc cử tri nói chung cũng như chuyên đề với từng nhóm đối tượng khác nhau là một trong những hoạt động góp phần tăng cường mối liên hệ giữa lãnh đạo với người dân, giữa đại biểu dân cử với cử tri.
Đây là kênh thông tin quan trọng trong hoạch định chính sách và giám sát triển khai chính sách trong thực tiễn. Riêng với các lực lượng công nhân, chiếm 15% dân số, 27% lực lượng lao động, đóng góp 70% ngân sách và 65% GDP là nhóm cử tri rất quan trọng.
Trong thời gian qua, từ Thủ tướng Chính phủ, đến lãnh đạo các tỉnh, TP… đã có nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với công nhân, lao động, nhiều vấn đề liên quan đến việc làm, lương, nhà ở, an sinh xã hội… đã được đưa ra.
Qua những cuộc đối thoại hàng năm này, nhiều vấn đề vướng trong thực tiễn đã được thúc đẩy giải quyết, nhiều chính sách được ban hành mang đến những hiệu quả tốt với công nhân từ vấn đề nhà ở, việc làm, chính sách hỗ trợ…
Nhưng thực tiễn hiện nay, công nhân vẫn chưa được hưởng thành quả tương xứng, đời sống còn bấp bênh. Rất nhiều vấn đề đang được đặt ra trong thực tế đời sống như tổng thu nhập bình quân của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi vẫn thấp, chưa đủ mức chi tiêu bình quân; một số thiếu việc làm ổn định; rồi số lượng công nhân được khảo sát cho biết từng hoặc có ý định rút BHXH một lần nếu mất việc không ít, cùng với đó là những thiếu thốn trong vấn đề nhà ở, nơi gửi con… Trong đó, có nhiều vấn đề cần sự thay đổi từ trong chính các quyết sách ở cơ chế, ở Luật.
Bởi thế, với diễn đàn tiếp xúc cử tri giữa công nhân và đại biểu Quốc hội lần này, thực sự có thêm một kênh thông tin rất quan trọng trong hoạch định và thực thi chính sách, đặc biệt khi Quốc hội đang xây dựng hoặc sửa đổi các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người lao động như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Công đoàn, Luật Việc làm…
Được biết, các diễn đàn này sẽ diễn ra tại nhiều tỉnh thành; nhiều nội dung, chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động cũng được gợi mở để người lao động trao đổi, trong đó có cả những vấn đề trước mắt và việc góp ý vào xây dựng luật để thực thi lâu dài.
Chọn ra rất đúng, rất trúng vấn đề cần phải lắng nghe để tập trung, rà soát lại thể chế, cơ chế chính sách, nhanh chóng bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện là rất quan trọng, việc để người lao động thực sự bày tỏ hết tâm tư, nguyện vọng của mình cũng quan trọng không kém.
Do đó, mục tiêu, ý nghĩa đã rõ, làm thế nào để các diễn đàn, cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt này thực sự chất lượng, hiệu quả là vấn đề được quan tâm hiện nay.
Làm sao để qua các diễn đàn, đại biểu Quốc hội thấy được những vấn đề người lao động đang cần để thúc đẩy năng suất lao động, yên tâm với nghề và cả những đòi hỏi của cuộc sống, từ đó đại biểu mới có những đóng góp xác thực, có tính đúng đắn, phát hiện tại nghị trường. Qua đó, giúp các, cơ quan có thẩm quyền hoạch định chính sách pháp luật được xây dựng sát với thực tế, khả thi.