Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm một quốc gia mở khóa Nord Stream 2

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn Gazprom phụ trách dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 do Nga dẫn đầu thông báo đã nối lại việc đặt đường ống ở vùng biển Đan Mạch, bất chấp áp lực từ Mỹ gia tăng.

Việc xây dựng đường liên kết - dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất của đường ống Nord Stream hiện tại lên 110 tỷ m3 khí đốt mỗi năm - đã bị đình chỉ hồi tháng 12/2019 do đe dọa trừng phạt từ Washington. Các đối tác phương Tây của Gazprom của Nga trong dự án bao gồm Uniper của Đức, đơn vị Wintershall Dea của BASF, Anglo-Dutch Shell, OMV của Áo và Engie của Pháp.
Với ý nghĩa kinh tế và chiến lược lớn, Nord Stream 2 ngày càng được chú trọng, đặc biệt là sau vụ nhà phê bình Điện Kremlin Alexei Navalny bị bắt giam, và mới nhất là tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao châu Âu khỏi Nga hôm 5/2 vừa qua.
Tuy nhiên, Chính phủ Đức kiên quyết bảo vệ dự án. Cuối tháng 12, một con tàu có tên Fortuna - sau đó đã bị Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt - đã được phép lắp đặt đoạn đường ống dài 2,6km trong vùng biển của Đức.
Hôm 6/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Berlin luôn ủng hộ đường ống dẫn dầu vì nó đơn thuần là một dự án thương mại đối với Đức.
Việc xây dựng đường ống gần như đã hoàn tất, nhưng khoảng 120km còn lại sẽ được đặt ở vùng biển Đan Mạch cũng như 30km khác ở vùng biển của Đức, trước khi đổ bộ vào thị trấn ven biển Lubmin, miền Bắc nước Đức.
Mỹ từ lâu cho biết đường ống sẽ tăng đòn bẩy của Nga đối với châu Âu và sẽ bỏ qua Ukraine, tước đi các khoản phí vận chuyển béo bở của Kiev. Mỹ cũng muốn tăng cường bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho các nước châu Âu.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông tin Nord Stream 2 là "một thỏa thuận tồi cho châu Âu", cho thấy quan điểm đồng nhất với người tiền nhiệm Donald Trump.