Kết nối đường sắt này được điều hành bởi các nhà khai thác tàu quốc gia Pháp và Đức là SNCF và Deutsche Bahn, trong khi đầu máy toa xe sẽ được cung cấp bởi công ty tàu hỏa OeBB của Áo - công ty sở hữu các chuyến tàu "Nightjet" đã chạy khắp Trung Âu.
Chuyến đi đầu tiên khởi hành từ nhà ga chính của Berlin, với sự tham dự của các Bộ trưởng từ cả Pháp và Đức. Ban đầu chỉ chạy 3 lần/tuần, tần suất của tuyến này sẽ tăng lên thành một chuyến tàu mỗi ngày kể từ tháng 10/2024.
Dịch vụ tàu đêm đã hoạt động trở lại sau 9 năm bị dừng trên khắp châu Âu. Tàu đêm đã thua trước sự cạnh tranh của các hãng hàng không giá rẻ và tàu cao tốc vào đầu thế kỷ này, buộc nhiều dịch vụ đóng cửa.
Tuy nhiên, lĩnh vực này được cho đang trải qua thời kỳ phục hưng khi hành khách và các nhà hoạch định chính sách tìm kiếm một giải pháp thay thế sạch hơn cho du lịch hàng không.
Năm 2020, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng đặt mục tiêu mở 10 dịch vụ giường nằm mới vào năm 2030, và bước đầu đã cho thấy một số kết quả đáng ghi nhận.
Cũng như tuyến Berlin, một số tuyến mới giữa Paris và các điểm đến ngoại vi ở lục địa Pháp đã bắt đầu hoạt động. Chính phủ Pháp đã đầu tư khoảng 100 triệu euro (108 triệu USD) để khôi phục mạng lưới và sẵn sàng đưa các toa mới vào hoạt động.
Đối với khách hàng, lợi ích về khí hậu và sự hấp dẫn của việc đi lại bằng tàu hỏa đã cho thấy sức hấp dẫn. Vào năm 2023, khoảng 215.000 hành khách đã sử dụng dịch vụ tàu đêm tại Pháp, tăng 15% so với năm trước.
Mặc dù tạo ra sự phấn khích, tàu đêm được đánh giá vẫn là một ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận chưa ổn định cho các nhà khai thác. Ở Pháp, nhiều tuyến được tiếp tục hoạt động nhờ nguồn trợ cấp, chẳng hạn với tuyến Berlin là không dưới 10 triệu euro mỗi năm.
Nếu không có lợi nhuận, các công ty tàu hỏa sẽ khó có thể đưa ra mức giá cạnh tranh cho một chiếc giường ngủ trên tàu. Tuy nhiên, những thách thức này không ngăn cản các công ty tư nhân tham gia thị trường, chẳng hạn như công ty European sleeper của Hà Lan, đã triển khai tuyến từ Berlin đến Brussels vào đầu năm nay.