Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Theo dòng thể thao: Cuộc tình của bầu Đức

Bạch Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mối tình giữa bầu Đức và đối tác chiến lược Arsenal đã chính thức khép lại sau một thập kỷ gắn bó.

Điều đó đồng nghĩa với việc, Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG sẽ bị khai tử. Một đoạn kết được cho là khó tránh khỏi khi cả hai bên đều không có được sự viên mãn sau thời gian dài gắn bó.

Khi đặt chân đến Việt Nam, hệ thống Học viện JMG của Arsenal muốn tiến vào một thị trường với hàng chục triệu người yêu bóng đá. Họ cũng muốn có được những cầu thủ chất lượng nhằm phục vụ chiến lược của mình. Theo mục tiêu ban đầu, sẽ có vài cầu thủ trong số 25 người được tuyển chọn, đào tạo tại Học viện HAGL Arsenal JMG sẽ trở thành ngôi sao đẳng cấp châu lục, thậm chí là thế giới. Thậm chí, các bên đã đưa ra được cả công thức phân chia lợi nhuận khi các lứa cầu thủ kết thúc khóa huấn luyện.

Sau 7 - 8 năm gắn bó, những lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện HAGL Arsenal JMG đã ra lò. Một số cầu thủ xuất sắc nhất đã được gửi sang Anh thử việc nhưng rút cuộc, chẳng có ai trụ lại được. Hồ sơ của họ được gửi sang một loạt đội bóng châu Âu nhưng rút cuộc, chẳng hợp đồng nào được ký kết. Ngay cả những cầu thủ xuất sắc nhất lứa đầu tiên là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường được cho các đội bóng Nhật Bản, Hàn Quốc mượn nhưng cuối cùng, kết quả thu được chỉ là nỗi thất vọng.

Bầu Đức và cả Arsenal đều rất kỳ vọng vào sự hợp tác giữa hai bên. Bầu Đức đốn rừng, chi tiền mở học viện. Arsenal cử người, chuyển giao công nghệ nhưng cái mà hai bên thu được chỉ là những cầu thủ mới thuộc diện sao mai của V-League. Và khi tham vọng không hoàn thành, những ông chủ thực dụng của bóng đá Anh đã quyết định dừng lại.

Những bản hợp đồng khủng không xuất hiện và HAGL đương nhiên không có lợi nhuận. Và đó là chưa kể đến việc, HAGL giờ cũng không dư dả đến mức tiếp tục tung tiền thuê đối tác tiếp tục cuộc chơi tốn kém. Chấp nhận dừng lại, tham vọng vươn ra thế giới của bầu Đức đang bị thách thức bởi không biết Học viện bóng đá HAGL tới đây có đủ tiềm lực, công nghệ để đào tạo ra những lứa cầu thủ tài năng hay không?