Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Theo dòng thể thao: Gió đã xoay chiều

Hải Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện liên quan đến cầu thủ nhập tịch không chỉ khiến bóng đá Việt Nam nổi sóng tranh luận, mà còn mang đến những tranh cãi ở các nền bóng đá trong khu vực.

Đội tuyển Singapore từng gặt hái được nhiều vinh quang nhờ chiến lược “mưa tiền mua tài năng”. Hàng loạt cầu thủ đã được trải thảm đỏ để nhập quốc tịch Singapore. Hệ quả là họ có được một đội hình thiện chiến. Hai chức vô địch AFF Cup 2004 và 2006 đã cho thấy thành công vang dội của chiến dịch đi tắt đón đầu của bóng đá Singapore. Đến năm 2012, một lần nữa bóng đá Singapore lại vô địch AFF Cup với một dàn cầu thủ nhập tịch vốn đã ở độ tuổi xế chiều.

Thành công của bóng đá Singapore đã khiến các đội tuyển trong khu vực lao vào một cuộc chạy đua nhập tịch. Indonesia, Đông Timor và đặc biệt Philippines đã tiến hành một cuộc tổng động viên cầu thủ nhập tịch nhằm nhanh chóng tranh bá xưng hùng. Thành công đã bước đầu đến với bóng đá Philippines khi họ từ chỗ là đội bóng lót đường thành ứng viên vô địch với hàng chục cầu thủ được lấy về từ các quốc gia ở châu Âu và Mỹ vốn mang trong mình dòng máu Philippines.

Thành công đến nhanh nhưng nó lại khiến dư luận trong nước cảm thấy không hào hứng, bởi người hâm mộ không nhận thấy những giá trị thân thuộc từ đội bóng của mình. Thậm chí, nó mang đến tác hại cho công tác đào tạo khi các liên đoàn và đội bóng không quan tâm đến gốc rễ của sự phát triển...

Đến lúc này, các đội tuyển dần quay trở lại với giá trị bản địa. Họ chú tâm vào phát triển nội lực thay vì nghĩ đến những chiến lược phát triển ngắn hạn. Bóng đá Singapore quay lại với việc đào tạo trẻ hơn là tung tiền mua cầu thủ nhập tịch. Đặc biệt, những người làm bóng đá Thái Lan khẳng định, họ không bao giờ có ý định nhập tịch cầu thủ để có được thành công một cách dễ dàng, bởi cách làm ấy là vô trách nhiệm với bản sắc đội tuyển và tương lai nền bóng đá.