Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Theo dòng thể thao: Luật chơi ở… “ao làng”

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - SEA Games 2017 đến tháng 8 mới diễn ra nhưng đến thời điểm này, nó đã nóng bởi cái cách chủ nhà chọn luật bốc thăm kỳ dị.

Và những động thái này khiến người ta lo ngại về một SEA Games vốn sẽ diễn ra bằng sự ì xèo muôn năm cũ.

Thông báo của nước chủ nhà SEA Games 2017 Malaysia đang khiến cầu trường Đông Nam Á chao đảo. Theo đó, Ban tổ chức SEA Games quyết định thể thức bốc thăm môn bóng đá nam vốn trước nay chưa bao giờ được áp dụng. Bên cạnh 2 đội hạt giống là Thái Lan và Myanmar được chia về 2 bảng, 8 đội còn lại không bao gồm chủ nhà Malaysia sẽ được bốc thăm ngẫu nhiên. Sau khi xác định được 2 bảng đấu gồm 10 đội, chủ nhà Malaysia sẽ được quyền chọn vào bảng đấu mà mình mong muốn.

Thể thức bốc thăm kỳ dị này có thể đẩy Thái Lan, Việt Nam, thậm chí cả Singapore, Indonesia vào chung một bảng. Trong khi đó, Malaysia chỉ phải đấu với những đối thủ nhẹ ký như Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor. Đương nhiên là chủ nhà Malaysia cũng có cái lý của mình. Do khu vực Đông Nam Á có 11 đội tuyển nên luôn có tình trạng một bảng 5 đội, một bảng 6 đội tham gia. Và với tư cách của nước chủ nhà, Malaysia có quyền đề xuất thể thức bốc thăm. Trớ trêu là họ sẽ có được tiếng nói quyết định sau khi tham khảo ý kiến từ Hội đồng thể thao Đông Nam Á và Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á vốn có quá nhiều người Malaysia đảm nhiệm vị trí chủ chốt.

Thực ra thì không phải bây giờ Malaysia mới đưa ra những đề xuất chẳng giống ai. Hơn một năm trước, cả Đông Nam Á tá hỏa khi Malaysia yêu cầu hạ độ tuổi tham dự SEA Games từ 23 xuống 21 nhằm phát triển bóng đá trẻ. Đề xuất này coi như loại khỏi vòng lứa cầu thủ trẻ tài năng của Việt Nam và Thái Lan. Và quan trọng hơn cả, nó không nhằm mục tiêu là phát triển bóng đá trẻ cũng như hệ thống bóng đá trẻ khu vực. Sau khi bị VFF đấu tranh, phản biện bằng lập luận sắc bén, Malaysia đồng ý để lứa U22 dự SEA Games và các cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường không bị quá tuổi.

Sau khi nhận được thông tin từ Ủy ban Olympic Việt Nam, VFF khẳng định sẽ đấu tranh đến cùng với nước chủ nhà SEA Games nhằm đảm bảo luật chơi cũng như quyền lợi của đội tuyển. Trước mắt, VFF đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thể dục thể thao can thiệp với Ủy ban Olympic để có tiếng nói với Ủy ban Olympic trong phiên họp Hội đồng thể thao Đông Nam Á tới đây. Về phần mình, VFF cũng sẽ gây áp lực với AFF nhằm có được một thể thức bốc thăm chuyên nghiệp nhất. VFF có quyền hy vọng bởi hiện tại, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đang đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch AFF. Đặc biệt, ông Tuấn có mối quan hệ rất tốt với các quan chức bóng đá trong khu vực. Một khi AFF thể hiện quan điểm phản đối nước chủ nhà SEA Games thì sự thỏa hiệp theo hướng có lợi cho tất cả sẽ xảy ra.

Với vị thế và trách nhiệm của mình, VFF phải bảo vệ được quyền lợi của U22 Việt Nam. Quan trọng hơn là phải tạo ra được sân chơi bình đẳng cho bóng đá khu vực phát triển. Thế nhưng, theo thông lệ, nước chủ nhà SEA Games có quyền năng rất lớn trong việc ban hành luật chơi. Bằng chứng là họ có thể tổ chức, hoặc không tổ chức nhiều môn thể thao. Ngay cả những môn thể thao có trong chương trình đại hội cũng có thể bị cắt những môn mà nước chủ nhà không có lợi.

Vì thế, bên cạnh việc đấu tranh với nước chủ nhà, Ban huấn luyện U22 Việt Nam phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Họ phải tập trung tối đa cho giải đấu với tinh thần không sợ bất cứ đối thủ nào. Bởi nói cho cùng, muốn đến ngôi vương thì U22 Việt Nam phải đủ bản lĩnh đánh bại mọi đối thủ.